Lao động trẻ xuất ngoại bán sức tích tiền

(PLO) - “Lúc ở quê thì háo hức lắm, khi sang đến nơi mới biết cảm giác xa nhà khó khăn như thế nào…, những lúc đó chỉ biết tìm một chỗ và khóc thôi” là tâm sự của Nguyễn Đỗ Hồng, 19 tuổi, quê ở Phúc Thọ, Hà Nội, lao động tại Nhật Bản. Buồn, nhưng Hồng may mắn vì xuất khẩu lao động thành công, còn không ít bạn trẻ có nhu cầu sang nước ngoài làm ăn bị lừa “tiền mất, tật mang”… 
Nguyễn Đỗ Hồng và bạn gái tranh thủ chụp ảnh trước giờ làm việc.
Nguyễn Đỗ Hồng và bạn gái tranh thủ chụp ảnh trước giờ làm việc.
Làm quen với nỗi nhớ nhà
Vài năm lại đây, thanh niên ở các vùng quê độ tuổi 18-25 có xu hướng xuất khẩu lao động sang các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Nga… tăng dần, bởi mức thu nhập 15 -20 triệu đồng/ tháng (tính theo tiền Việt Nam) có sức hấp dẫn lớn với những bạn trẻ Việt Nam ước mơ làm giàu bằng sức lao động của mình. 
Yêu cầu đầu tiên để đi xuất khẩu lao động nước ngoài đối với thanh niên Việt Nam là phải có thể lực tốt, tính kiên trì và nhất là sự chăm chỉ. Điều đó được rèn dũa dần trong quá trình đào tạo trước khi họ được đưa sang nước ngoài. Những nam, nữ thanh niên trẻ khỏe này sẽ phải trải qua 3 – 4 tháng học tiếng, sau đó thi khảo sát rất khắt khe, nếu đạt yêu cầu mới làm thủ tục xuất khẩu. Tuy vậy, mỗi năm thị trường xuất khẩu lao động vẫn thu hút hàng nghìn thanh niên nộp hồ sơ, giải quyết được một phần không nhỏ việc làm trong nước.
Sang đất khách quê người lập nghiệp, lao động Việt Nam phải trải qua bao khó khăn. Thứ nhất là rào cản về ngôn ngữ, do vốn từ còn hạn chế, giao tiếp với người dân bản xứ chưa được tốt. Thứ đến là vấn đề đi lại, sinh hoạt cá nhân cũng thay đổi, phải học cách khắc phục với điều kiện khí hậu mới… Thiếu thốn về tinh thần, nhiều thanh niên phải cố nén nỗi nhớ khi xa nơi  “chôn nhau cắt rốn”, xa người thân, người mình yêu thương nhất.
Anh Đỗ Mạnh Quý (22 tuổi, ở Hà Nội) lao động tại Đài Loan chia sẻ: “Tôi sang đây tròn 1 năm 6 tháng, lúc lên máy bay cảm thấy thích thú vô cùng, nhưng khi sang đến nơi, cảm giác xa lạ bao kín lấy  mình. Nỗi nhớ nhà cứ ám ảnh. Ban đầu chưa quen việc, tiếng chưa thành thạo lắm nên hay bị ông chủ la mắng. Nhưng do bạn bè trong xưởng tốt bụng, công việc nhiều nên cảm thấy được an ủi phần nào”. 
Chị Nguyễn Tường Vy, ở TP.HCM, 24 tuổi, đang làm ở Nhật Bản, cùng tâm trạng: “Cuộc sống bên này nói chung không tồi, tiền kiếm được ngoài chi tiêu, sinh hoạt cá nhân, mỗi tháng mình vẫn đều đặn gửi về cho gia đình 10 triệu đồng. Tuy người Việt Nam sinh sống ở đây khá  nhiều nhưng mỗi dịp tết đến xuân về, gọi điện về cho gia đình, nghe không khí tết nhộn nhịp vẫn buồn lắm, lại ngồi khóc một mình”.
Còn anh Bùi Quang Nhân, 24 tuổi, ở Vĩnh Long, cũng lao động ở Nhật Bản, giãi bày: “Khi đã thích nghi với công việc thì nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè cũng vơi đi phần nào. Hàng tháng mình vẫn gửi tiền đầy đủ về cho gia đình. Mình sẽ cố gắng 3 năm làm bên này tích lũy được ít vốn về nước làm ăn”.
Lao động Việt Nam đạp xe tìm hiểu môi trường sống sau giờ làm việc.
Lao động Việt Nam đạp xe tìm hiểu môi trường sống sau giờ làm việc. 
Tỉnh táo để tránh bị lừa
Nhìn chung, những lao động xuất khẩu khi về nước đều hoàn trả được vốn bỏ ra và có một khoản tiền đủ lo cho những dự định của tương lai. Có người còn lập gia đình tại nước bạn. Thị trường xuất khẩu lao động đang là một môi trường tiềm năng cho những người bước đầu muốn lập nghiệp, nhưng các bạn trẻ luôn phải đề cao cảnh giác trước những “chiêu” lừa đảo…
Theo Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2006 đến giữa năm 2007, tại Hà Nội có hơn 2.000 nạn nhân bị lừa xuất khẩu lao động sang Đài Loan và Hàn Quốc, tổng lợi nhuận chiếm đoạt là hơn 52 tỷ đồng. Năm 2004 - 2008, khoảng 5.400 người chấp nhận vay mượn tiền để xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Úc nhưng không đi được, cũng bởi bị lừa. 
Không những vậy, một vài đối tượng đã lao động ở nước ngoài còn lên kế hoạch lừa những người nhẹ dạ cả tin ở quê hương bằng cách dụ dỗ để họ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng quốc tế của những đối tượng này với lời hứa hẹn bảo lãnh sang nước ngoài làm việc, lương cao. Người bị lừa chủ yếu là những thanh niên đang thất nghiệp, trình độ học vấn thấp và mong muốn một công việc như ý. 
Không phải ai xuất ngoại cũng đều may mắn tìm được công việc lương cao, ổn định. Thực tế, nhiều người bị lừa vào những doanh nghiệp lao động không được cấp phép, dẫn đến tình trạng bị ép làm quá giờ, không được trả lương hoặc bị đánh đập, ngược đãi. Thậm chí, một bộ phận công nhân nữ sang nước ngoài bị những đường dây “ma” bán vào nhà chứa làm gái mại dâm hoặc bán làm vợ xứ người.
Hiện các cuộc nội chiến, chiến tranh, dịch bệnh tại một số nước vẫn thường xuyên diễn ra. Trước khi muốn xuất ngoại, những người trẻ cần tìm hiểu kĩ về đất nước, môi trường làm việc nơi mình dự kiến sang xuất khẩu lao động để khỏi bị “tiền mất, tật mang”.  

Đọc thêm