Giấy ngoại “múa” giá, giấy nội “đứng nhìn”

Giá giấy sản xuất trong nước đang thấp hơn so với giá thị trường thế giới nhưng vẫn không thể cạnh tranh với giấy ngoại. Theo Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), hai quý cuối năm 2010 là thời điểm bộc lộ rõ nét nhất sự “thất thế” của các sản phẩm giấy nội địa…

Giá giấy sản xuất trong nước đang thấp hơn so với giá thị trường thế giới nhưng vẫn không thể cạnh tranh với giấy ngoại. Theo Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), hai quý cuối năm 2010 là thời điểm bộc lộ rõ nét nhất sự “thất thế” của các sản phẩm giấy nội địa…

Giấy ngoại “múa” giá

Theo ông Vũ Hoàng Điệp - chủ cửa hàng văn phòng phẩm Hải Anh trên phố Giáp Bát - Hoàng Mai - Hà Nội, hiện các loại giấy sản xuất trong nước tiêu thụ rất chậm, còn các loại Double A hoặc Excel của Thái Lan, Indonesia và Malaixia dù giá đang cao hơn hàng trong nước từ 1.000 đến vài ngàn đồng/ram khổ A4 nhưng vẫn được người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng và tìm mua.

Ông Nguyễn Văn Đường, Giám đốc DN Minh Quang, Hà Nội, một DN chuyên nhập khẩu giấy, bột giấy cho biết, thời điểm này, giá bán lẻ giấy photocoppy khổ A4 nhập từ Thái Lan, Malaixia... đã tăng 3.000 - 4.000 đồng/ram, dao động quanh mức 54.000 - 64.000 đồng/ram.

Giá bột tăng thêm ít nhất 30 - 40 USD/tấn (795 - 810 USD/tấn, tùy loại) so với cùng kỳ tháng trước. Cùng với đà tăng giá đó, giá giấy trong nước tiếp tục được các DN điều chỉnh theo hướng tăng mạnh.

Theo mức giá công bố của Cty CP giấy Tân Mai, từ ngày 1/4/2010 giá giấy in, giấy viết, giấy in báo điều chỉnh tăng thêm 500.000 – 1 triệu đồng/tấn cho các hợp đồng giao trong tháng. Hiện giá giấy in báo giao tại nhà máy ở mức 11,5 triệu đồng/ tấn (chưa tính 5%VAT), giấy in, giấy viết ISO – 90 khoảng 16,8 triệu đồng/ tấn (chưa tính 10% VAT).

Mặc dù giá giấy ngoại cao hơn hẳn so với giấy cùng chủng loại sản xuất trong nước, nhưng theo nhận định của ông Hoàng Ngọc Bách - Giám đốc marketing Cty in Hoa Mai, “sức hút” từ giấy ngoại nhập đổ vào Việt Nam với số lượng lớn làm cho các DN sản xuất giấy trong nước không kịp đưa ra giải pháp cạnh tranh. Ông Mai Xuân Thanh - Cty CP đầu tư Châu Á cho biết, so với cùng kỳ 2009, lượng giấy DN của ông nhập về tăng hơn 90% và “nhập đến đâu bán hết đến đó”. Ngay cả khi giấy ngoại điều chỉnh tăng giá bán, các DN, cơ quan, NTD vẫn lựa chọn giấy ngoại nhập vì cho rằng chất lượng ổn định hơn. Còn giấy do trong nước SX chất lượng còn nhiều vấn đề nên buộc các DN SX và KD phải đổi hướng lựa chọn giấy ngoại.

Giấy nội “đứng nhìn”

Trước “vũ khúc” giấy ngoại nói trên, VPPA cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là chất lượng, sức cạnh tranh của giấy nội còn yếu kém cộng với đợt điều chỉnh giá tăng vào những tháng đầu năm 2010, tới nay các DN sản xuất giấy trong nước lại rục rịch đẩy giá bán các loại giấy tái chế tăng lên càng kéo giấy nội “vắng” ở sân nhà. Theo các DN, giá giấy tăng là do giá nguyên nhiên liệu sản xuất như: điện, nước, xăng, than, lương nhân công... đang tăng. Thêm vào đó, chênh lệch tỷ giá và lãi suất ngân hàng ở mức cao so với năm 2009… là những thách thức lớn đối với các DN ngành giấy nói riêng và bên tiêu thụ giấy số lượng lớn nói chung.

Hiện giá bột giấy sợi dài ở mức trên 900 USD/tấn; giá bột giấy sợi ngắn khoảng 850 USD/tấn; giá giấy loại khoảng 270 USD/tấn. Giá giấy đã qua sử dụng (giấy loại) thu mua trong nước cũng tăng từ 3 triệu đồng/tấn lên 3,7 triệu đồng/tấn. Trước tình thế này, nhiều DN ngành giấy đã điều chỉnh tăng giá giấy in, giấy viết và giấy in báo, giấy làm bao bì, giấy Tissue, giấy vàng mã...

Theo ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng thư ký VPPA, mặc dù, giá đang trên đà tăng cao nhưng nguồn cung trong nước ngày càng bị hạn chế. Nhà máy giấy Bãi Bằng ngưng máy để bảo trì, bảo dưỡng hàng năm và nâng cấp công suất lên 125 nghìn tấn/năm, trong khi các nhà máy có công suất vừa và nhỏ thì đang gặp phải khó khăn về nguồn bột nên lượng sản xuất đầu ra cũng sẽ bị hạn chế. Vì vậy, tổng lượng sản xuất giấy trong năm 2010 sẽ tiếp tục giảm và như vậy nguồn cung sẽ thấp hơn cầu nên cũng sẽ góp phần làm cho giá tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

“Việc giấy ngoại lấn át giấy nội kể cả khi đắt đỏ là điều rất đáng suy nghĩ. Nếu chúng ta tiếp tục sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu đến 20 năm so với khu vực, khoảng 30 năm so với thế giới thì không cách gì thay đổi được cục diện cạnh tranh. Ngành giấy cần phải thay đổi công nghệ sản xuất lẫn năng lực quản lý thì may ra mới có chính sách giá bán phù hợp trong môi trường cạnh tranh”- ông Hàn Vinh Quang - Chủ tịch chi hội 2 - Hiệp hội Giấy Việt Nam nhận định.

Hồng Anh  

Đọc thêm