Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam vào chiều 25/7/2020 cả một quả đồi với diện tích rộng lớn tại khu 7, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy đã bị san phẳng. Hàng chục chiếc xe tải trọng từ 5-10 tấn ra vào liên tục để chở đất. Hầu hết các xe đều có dấu hiệu quá khổ, quá tải và chỉ được che đậy rất sơ sài. Trong khoảng 30 phút có mặt tại hiện trường PV ghi nhận hơn 20 lượt xe chở đất ra ngoài. Tại vị trí từ khu đất nối ra đường tỉnh lộ 316G mỗi lần những xe chở đất này đi qua bụi bay mù mịt.
Công trường khai thác đất trái phép diễn ra công khai giữa ban ngày |
Theo phản ánh của các hộ dân tại đây, tình trạng vận chuyển đất đá tại khu vực này đã diễn ra từ lâu. Các đơn vị khai thác đất thỉnh thoảng có tưới nước nhưng do thời tiết nắng nóng và đất vương vãi nhiều nên thường xuyên xảy ra tình trạng bụi bẩn khiến người dân vô cùng bức xúc.
Trước phản ánh của phóng viên về tình trạng khai thác đất, gây ô nhiêm môi trường trên địa bàn, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Phương Văn Dự, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết, trên địa bàn hiện tại có 02 vị trí đang được cấp phép cải tạo, hạ cốt nền đất rừng sản xuất nhận thầu khoán của UBND xã phục vụ sản xuất.
Căn cứ vào những tư liệu mà phóng viên phản ánh, ông Dự xác định đó là vị trí san gạt của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thạnh (khu 7, xã Xuân Lộc) nhưng hiện tại hết hạn nên đã dừng hoạt động, UBND xã cũng chưa nhận được báo cáo về việc ông Thạnh đang thực hiện việc san gạt, vận chuyển đất vào hôm 25/7/2020. Ông Dự cho biết thêm, việc san gạt tại đây không làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, bụi bẩn, ô nhiễm môi trường cũng không có, đường xá cũng không ảnh hưởng gì…(?!)
PV tiếp tục trao đổi qua điện thoại với ông Lê Quốc Kỳ, Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, được biết: “Do lúc đầu hoạt động không đảm bảo môi trường nên chúng tôi đã đình chỉ không cho chở đất đối với hộ gia đình ông Thạnh 03 tháng… Hiện tại họ đang làm dở như thế nên buộc “anh em” chúng tôi phải tạo điều kiện…”.
Văn bản chấp thuận của UBND huyện Thanh Thủy không nêu rõ vị trí đổ đất và đã hết hạn hơn 2 tháng. |
Theo tìm hiểu của PV, ngày 13/3/2020 UBND huyện Thanh Thủy đã ban hành văn bản số 319/UBND-TNMT về việc chấp thuận cho ông Nguyễn Văn Thạnh, thường trú tại: khu 7, xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) được cải tạo, hạ cốt nền đối với đất rừng sản xuất nhận thầu khoán của UBND xã phục vụ sản xuất, do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Tân ký, thời gian thực hiện là 60 ngày kể từ ngày được chấp thuận. Tính đến thời điểm ngày 25/7 đã hết hạn được hơn 70 ngày nhưng tình trạng san gạt, vận chuyển tại đây vẫn diễn ra một cách công khai.
Tại văn bản này UBND huyện Thanh Thủy cũng không nêu rõ vị trí đổ đất cụ thể mà chỉ ghi chung chung là đổ đất vào vị trí “hợp lý, đúng quy hoạch, hoặc có thể tận dụng làm đất đắp nền cho các công trình xây dựng hợp pháp”. Việc UBND huyện Thanh Thủy yêu cầu như vậy có đúng và đầy đủ theo quy định hay không?
Chính quyền địa phương, cùng các cơ quan chức năng huyện Thanh Thủy có thực sự không biết hay đang cố tình làm ngơ để tình trạng khai thác đất trái phép dưới danh nghĩa hạ cốt nền diễn ra một cách công khai như vậy? Hàng vạn khối đất đã được vận chuyển đi đâu? Trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm này thuộc về ai?
Báo pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Trước nạn khai thác đất trái phép diễn ra tràn lan, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra văn bản số 2706/UBND-KTN về việc chấn chỉnh hoạt động san, gạt, hạ cốt nền, khai thác đất đồi tại các huyện, thành thị trên địa bàn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn ký ngày 24/6/2020.