Giới chức Vương quốc Anh kỳ vọng gì sau khi gia nhập CPTPP?

(PLVN) - Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) vào hôm nay, 15/12. Một số quan chức Anh đã bày tỏ nhiều kỳ vọng vào hợp tác tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị nhóm các nước trong khối CPTPP tại thành phố Vancouver, Canada vào tháng trước. Ảnh: DW.

Sau khi Vương quốc Anh chính thức gia nhập CPTPP, giới chức Anh đã bày tỏ nhiều kỳ vọng về tăng trưởng thương mại với các quốc gia thành viên trong khối.

Trước đó, khi Chính phủ Anh ký CPTPP vào tháng 7/2023, Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Anh thời điểm đó là bà Kemi Badenoch gọi đây là "thỏa thuận thương mại lớn nhất" kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu vào cuối tháng 1/2020, đồng thời khẳng định CPTPP sẽ đưa nước này đến gần hơn với "các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới".

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh đương nhiệm, ông Jonathan Reynolds cho biết Anh đang có "vị thế độc nhất để tận dụng các thị trường mới hấp dẫn, đồng thời củng cố các mối quan hệ hiện có với các đối tác".

"Tin tức hôm nay là bằng chứng nữa cho thấy Vương quốc Anh là một nơi tuyệt vời để kinh doanh, với nền kinh tế cởi mở, hướng ngoại, thúc đẩy sự tăng trưởng mà mọi thành viên CPTPP có thể cảm nhận được trong cộng đồng doanh nghiệp của họ", ông Reynolds nói thêm.

Ông Jonathan Reynolds cho biết, Chính phủ Anh sẽ công bố một chiến lược thương mại vào năm 2025, mà theo ông "sẽ đưa ra chiến lược dài hạn cho thương mại quốc tế, điều sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời phát triển nền kinh tế".

Trong tuyên bố ngày 15/12, Chính phủ Vương quốc Anh khẳng định các doanh nghiệp từ nước này sẽ có thể dễ dàng hoạt động hơn ở Thái Bình Dương. Đặc biệt, các công ty từ Anh sẽ cung cấp dịch vụ cho các thị trường CPTPP, dựa trên cơ sở bình đẳng trong các lĩnh vực quan trọng.

Về phần mình, ông Douglas Alexander, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại Anh, đã gọi CPTPP là “trung tâm cho các nền kinh tế năng động, có tư duy tiến bộ để cam kết thúc đẩy thương mại tự do trên toàn cầu”.

Trong khi đó, ông David Henig, một chuyên gia thương mại, cho biết thỏa thuận CPTPP sẽ đơn giản hóa chuỗi cung ứng trong khối châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, và hỗ trợ Anh xuất khẩu các sản phẩm như rượu whisky. “Thỏa thuận này có thể mang lại nhiều cơ hội. Đây là một tin hiệu tích cực", ông Henig nói. Ông cũng nhắc lại về hàng loạt các thỏa thuận thương mại của Anh với các thành viên trong CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2018 và đóng góp khoảng 15% GDP toàn cầu, CPTPP hiện quy tụ 12 thành viên, trong đó có 3 thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) là Canada, Anh và Nhật Bản, cùng với Australia, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Đọc thêm