Giới thầu xây lắp điêu đứng vì giá thép “nhảy múa”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giá thép tăng cao trong thời gian qua đã khiến các nhà thầu xây dựng chịu cảnh tổn thất lớn. Có doanh nghiệp nói con số thâm hụt của họ đã lên tới cả trăm tỷ đồng chỉ trong vài gói thầu xây lắp.
Nhà thầu thi công đường dẫn đầu cầu Mỹ Thuận 2 thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam.
Nhà thầu thi công đường dẫn đầu cầu Mỹ Thuận 2 thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam.

5 tháng tăng giá... 28 lần

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons cho hay, quý I/2021, lãi sau thuế của doanh nghiệp này chưa đầy 24 tỷ đồng, thấp hơn 28% so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, nhà thầu xây dựng lớn thứ 3 tại Việt Nam này ghi nhận 1.217 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh do giá thép “nhảy múa” khiến biên lãi gộp của Ricons giảm từ 6,8% xuống dưới 6%. Cùng ngành, Công ty CP Xây dựng Coteccons, cũng thông báo đà suy giảm tại cả chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trong quý I vừa qua. 

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc VINACONEX, đơn vị  đứng đầu liên danh một số gói thầu lớn thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông - cho hay, nhu cầu thép để thực hiện các gói thầu trên, VINACONEX ước khoảng 58.316 tấn. Theo vị này, căn cứ hợp đồng đã ký, các gói thầu trên - thép giá dao động từ 11.300 - 12.120 đồng/kg. Thế nhưng tới đầu tháng 5/2021, các nhà cung cấp thép đồng loạt báo giá 17.395 đồng/kg.

Với giá như trên, VINACONEX cho biết sẽ phải bù lỗ cho ba gói thầu khoảng 337 tỷ đồng. Nhà thầu tại các gói thầu thuộc dự án này còn cho biết, riêng thép Hòa Phát, từ ngày 3/12/2020 đến cuối tháng 5/2021, đã tăng 28 lần giá, mỗi lần tăng từ 300.000 - 500.000 đồng/tấn.

Trao đổi với PLVN, ông Phạm Văn Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành, đơn vị trúng thầu gói XL-13 cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 cho biết, tháng 9/2020 đơn vị này bắt đầu ký hợp đồng thực hiện gói thầu trên. Lúc đó, giá thép khoảng 11.000 đồng/kg; tháng 12/2020, lên 12.000 đồng/kg. Đến 21/5/2021, nhà cung cấp cho Phương Thành báo giá lên tới 19.500 đồng/kg. Cũng theo ông Khôi, riêng hạng mục cầu Vĩnh An thuộc cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, giá trị xây lắp là 212 tỷ đồng nhưng giá trị thép chênh lệch so với giá bỏ thầu khoảng 40 tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng Giám đốc CIENCO 4 cho biết thêm, thép tăng giá ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, doanh nghiệp thiệt hại nặng. Vị này nói, CIENCO 4 đang thực hiện nhiều dự án đường bộ cao tốc và hàng loạt dự án giao thông quan trọng sử dụng ngân sách khác như cải tạo đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn 2, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội)… Hiện tại, nhà thầu xây dựng này chưa có thống kê chi tiết thiệt hại từ việc biến động giá thép, nhưng chắc chắn con số sẽ là nhiều tỷ đồng.

“Vỡ” dự toán 

Theo lãnh đạo CIENCO 4, hợp đồng xây lắp trong các dự án đầu tư công thường là hợp đồng theo hình thức có điều chỉnh giá, tức là giá vật liệu xây dựng được điều chỉnh theo giá tại thời điểm mua, không phải theo giá tại thời điểm ký hợp đồng. Tuy nhiên, trước khi hợp đồng được điều chỉnh thì doanh nghiệp cũng đã chịu thiệt hại rồi. “Sau khi được điều chỉnh, việc giá thép tăng thì Nhà nước chính là bên chịu thiệt, vì ngân sách nhà nước phải bù cho các dự án đầu tư công”, ông Thọ nói.

Đại diện PMU Thăng Long (đơn vị làm đại diện chủ đầu tư nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam) cho hay, biến động giá thép dẫn tới tăng giá dự toán đối với dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 khoảng 572 tỷ đồng. Tương tự, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tăng lên khoảng 203 tỷ đồng. PMU Thăng Long nhận định, với việc giá thép cao như hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ, tổng mức đầu tư của các dự án trong thời gian tới khi các công trình hầm, cầu lớn bước vào giai đoạn thi công kết cấu chính.

“Ông lớn” Hòa Phát nói gì?

Nhà sản xuất thép có tiếng ở thị trường Việt Nam “kêu” họ cũng đang đối mặt với tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh, nhưng kỳ thực, “ông lớn” ngành thép này lại đang lãi lớn, với hàng ngàn tỷ đồng. 

Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, giá thép tăng chủ yếu do hai yếu tố là giá nguyên vật liệu sản xuất như phế liệu, quặng sắt tăng phi mã. Cụ thể, giá phế liệu đã liên tục tăng mạnh, từ mức 207 USD/tấn vào tháng 4/2020 lên mức 500USD/tấn vào 10/5/2021, tương ứng mức tăng gần 2,5 lần. 

Với quặng sắt, tháng 5/2020 giá quặng sắt ở mức 88USD/tấn thì tới tháng 5/2021 đã lên mức 229USD/tấn, cao gấp 2,6 lần so với trước đây 1 năm. Tính riêng từ tháng 4 đến tháng 5/2021, giá quặng tăng “dựng đứng” từ 167 USD lên 229 USD/tấn, tăng 62 USD sau 1 tháng. Giá quặng vẫn đang trên đà tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại trên thị trường

Yếu tố thứ hai là ảnh hưởng của cung - cầu thép thế giới khi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ đang phục hồi mạnh, nhu cầu sản phẩm thép tăng cao. Mặt khác, dịch Covid-19 khiến việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.

Trao đổi với PLVN, đại diện Hòa Phát cho biết thêm, để phục vụ sản xuất được ổn định, doanh nghiệp này phải mua hàng dù giá có tăng cao, giá nguyên liệu nào cũng tăng nhưng không mua nhanh là không có hàng để sản xuất. Bình thường Hòa Phát mua nguyên liệu gối đầu cho từng quý nhưng hiện tại phải mua nguyên liệu cho cả quý IV, dù rủi ro cao nhưng phải chấp nhận để đảm bảo nhà máy sản xuất liên tục, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho thị trường. 

Giá bán thành phẩm cân đối theo thị trường thế giới, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và quá nhanh sẽ gây ảnh hưởng đối với nhà sản xuất khi giá bán không thể tăng tương ứng. Cụ thể, tiêu hao quặng sắt trên mỗi tấn thép thô là 1,7 tấn. Quặng sắt chiếm gần 50% giá thành sản phẩm. Giá quặng đã tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng giá bán hiện nay tăng khoảng 40-50%. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, Hòa Phát đang được hưởng lợi từ việc giá thép tăng cao. Bằng chứng là riêng quý I/2021, Hòa Phát đã lãi kỷ lục lên đến 7.000 tỷ đồng. Giải thích điều này, đại diện Hòa Phát cho biết: “Hòa Phát lãi do tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa sản xuất ở các khâu”. 

Ngoài ra, đại diện Hòa Phát cũng cho rằng, họ sản xuất theo thực tế và tuân theo quy luật cung - cầu. “Thép giá cao, tất nhiên các doanh nghiệp xây dựng sẽ kêu! Nhưng thử hỏi, lúc giá thép xuống thấp, doanh nghiệp thép ảnh hưởng thì ai chịu thiệt? Tôi nghĩ việc giá thép có tăng bất thường không cứ để cơ quan nhà nước họ kiểm tra đánh giá để có kết luận cho khách quan”, đại diện Hòa Phát nói.