Giọng hát Việt nhí là “cuộc chơi” của người lớn?

Nếu là cuộc chơi của trẻ con thì chúng phải thấy vui, thoải mái, khỏe khoắn. Thế mà thí sinh nhí nào cũng phát ốm vì áp lực trong các đêm thi hay trước đêm thi. Quán quân Nguyễn Quang Anh thì “ngập” trong vô số lời bình phẩm vô tình của người lớn...

[links()]Nếu là cuộc chơi của trẻ con thì chúng phải thấy vui, thoải mái, khỏe khoắn. Thế mà thí sinh nhí nào cũng phát ốm vì áp lực trong các đêm thi hay trước đêm thi. Quán quân Nguyễn Quang Anh thì “ngập” trong vô số lời bình phẩm vô tình của người lớn.

Giọng hát Việt nhí 2013 kết thúc, điều đọng lại trong một cuộc chơi của lũ trẻ không phải là niềm vui mà là sự “hỉ hả” của “đám người lớn”.

Nguyễn Quang Anh trở thành quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 - Ảnh: Thể thao Văn hóa
Nguyễn Quang Anh trở thành quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 - Ảnh: Thể thao Văn hóa

Hầu hết thí sinh nhí càng vào vòng trong càng “phát ốm” bởi phải gồng mình lên hát không đúng lứa tuổi, hết sự hồn nhiên, trong sáng. Cuộc chơi gì mà tới vòng Đo ván, em nào em nấy cũng có vấn đề về sức khỏe, có cháu hát không ra hơi. Phương Mỹ Chi từng phải thều thào với “Lòng mẹ”.

Đơn giản vì “người lớn” cho rằng các bài hát phải hoành tráng, phải phức tạp, phải màu mè mới thể hiện được hết tài năng của các cháu, mới làm hài lòng người lớn. Tiếc rằng sự quá tuổi trong việc chọn bài “Lời ru cho con” hay “Trên đỉnh phù vân” từng khiến Võ Thu Hà mất điểm, mất khán giả, nếu không cô bé có thể đi tiếp bằng giọng hát thực sự đẹp của mình.

Quán quân Quang Anh thì phải gồng lên hát những bài hát người lớn cho là dễ "ăn" giải, thể hiện đẳng cấp nhưng có những câu hát liệu cháu có hiểu mình đang hát gì?. Với những ca từ cần nhiều trải nghiệm như “Đá trông chồng” của Lê Minh Sơn liệu cậu bé 13 tuổi ấy hiểu được bao nhiêu phần trăm cái “nỗi oan nghiệt ngã” với “mở mắt mà trông kìa, thế gian cười…”?.

Rồi lúc có kết quả thì người lớn “không tiếc” những lời bình phẩm “con em mình”. Cũng tại “người lớn” vướng quá nhiều nghi án dàn xếp kết quả trước mà một đứa trẻ 13 tuổi hát hay, xứng đáng đoạt giải quán quân như Quang Anh cũng bị “ném đá” tơi bời. Những từ ngữ mà người lớn dành cho em, một cậu bé giống như con, cháu của họ thật không muốn nhắc lại vì sẽ làm hoen ố tuổi thơ của em. Nếu các em đọc được những lời nói kiểu đó liệu có vui nổi không hay phải bật khóc nức nở.

Báo giá quảng cáo “khủng” của đêm chung kết Giọng hát Việt nhí 2013 - Ảnh: VOV
Báo giá quảng cáo “khủng” của đêm chung kết Giọng hát Việt nhí 2013 - Ảnh: VOV

“Ông lớn” thì kiếm bộn tiền quảng cáo nhờ các cháu. Giải thưởng 500 triệu đồng cho quán quân chưa bằng 2 spot quảng cáo 30s đêm chung kết lên tới 280 triệu đồng. Trong khi một đêm chung kết có tới vài chục cái spot quảng cáo 30s .

"Người lớn" cụ thể đây là Sở GD-ĐT Thanh Hóa còn gửi cả công văn tới các trường bình chọn cho Quang Anh để mong kéo “thành tích” về tỉnh nhà. "Bệnh" thành tích vốn quá nặng trong ngành giáo dục lại tiếp tục khiến một đứa trẻ chịu không biết bao nhiêu thị phi chỉ vì cái “công văn người lớn” ấy.

Sự nổi tiếng quá sớm có thể là con dao hai lưỡi giết chết tuổi thơ của các em. Và đương nhiên sự  nổi tiếng của các cô bé cậu bé này đều do người lớn mang lại. Sau khi nổi tiếng, Quang Anh, Phương Mỹ Chi sẽ quay trở lại trường học, quay lại với cuộc sống bình thường hay lại phải bỏ học chạy show hay tới lớp với đôi mắt thâm quầng vì những đêm diễn.

Ngôi sao ca nhạc Việt Nam mà bỏ học dở chừng thì tương lai có thể cũng chỉ thành “sao xẹt” như “bà mẹ nhí” chuyên nói dối Angela Phương Trinh mà thôi!. Không có nền tảng giáo dục tốt, liệu mấy cô bé cậu bé “vắt mũi chưa sạch” ấy sẽ biến thành gì dưới bàn tay của “người lớn” showbiz?.

Hết mùa giải năm nay, chắc chắn sang năm, “người lớn” lại kiếm thêm những đứa trẻ hồn nhiên nghĩ rằng mình sẽ được tham gia một cuộc thì để được hát, được thể hiện đam mê, để được vui thành nạn nhân mới của showbiz. Thiết nghĩ các em còn quá nhỏ để vướng vào thế giới showbiz chưa biết được mất thế nào nhưng quá nhiều thị phi.

Thảo Nhiên