Giữ giá cà phê Việt trên thị trường thế giới

Năm 2010, cà phê trúng mùa, được giá, bà con nông dân trồng cà phê cả nước mừng ra mặt. Song nhìn xa, để  nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Vịêt Nam trên thị trường thế giới thì còn rất nhiều điều trăn trở. Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) trao đổi với Pháp luật Việt Nam.

Năm 2010, cà phê trúng mùa, được giá, bà con nông dân trồng cà phê cả nước mừng ra mặt. Song nhìn xa, để  nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới thì còn rất nhiều điều trăn trở. Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) trao đổi với Pháp luật Việt Nam.
- Xin chúc mừng những người trồng cà phê về một năm thành công. Thưa ông, câu hỏi bây giờ là làm sao để giữ vững được nhịp độ phát triển này?

Giữ giá cà phê Việt trên thị trường thế giới ảnh 1

- Để phát triển bền vững cần giải quyết một số tồn tại hiện nay, như lượng cà phê già nhiều, chiếm 25- 30%, 10 năm tới phải thay thế vườn cà phê già và phải giữ được sản lượng. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có chương trình tái canh và Viện giống ở Tây Nguyên đưa ra giống mới năng suất cao, nhưng khó nhất vẫn là vấn đề vốn. Một héc ta cà phê trồng mới cần 2.000 USD, do đó, cần một lượng vốn rất lớn cho tái canh, thêm nữa cần 2 năm cho đất nghỉ, cộng với 3 năm trồng, thành ra 5 năm mới có được sản lượng. Quãng thời gian này nông dân phải làm thế nào để có thu nhập và phải trả số vốn đã vay…. Thứ hai, mỗi năm, chúng ta chỉ nên xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê, tránh việc giảm giá. Nếu giữ được giá từ 1.900 – 2000 USD/tấn cà phê như hiện nay cho đến hết vụ, thì năm 2011, chúng ta sẽ có thể thu được giá trị xuất khẩu cà phê đạt 2 tỉ USD. Thứ ba, các chủ vườn cà phê, các doanh nghiệp nên liên kết, tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng chế biến. Thêm nữa, tăng cường việc được cấp các loại giấy chứng nhận như: UTZ, cà phê hữu cơ… nhằm nâng chất lượng giá trị cà phê Việt Nam.
Chính phủ  có Nghị định cho phép nông dân vay tín chấp tới 50 triệu đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh đang đẩy mạnh liên kết hình thành các hiệp hội chế biến để chủ động bảo quản cà phê đạt chất lượng cao. 
- Thị trường hàng hoá đối với cà phê ở Việt Nam đã được triển khai song thực chất chưa đạt kết quả như mong đợi, tại sao thưa ông?

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 với chủ đề “Tạ ơn cà phê” sẽ diễn ra từ ngày 10/3/2011 đến ngày 14/3/2011 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐắcLắk. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có các hoạt động đặc sắc, như: “Đêm thế giới cà phê”; lễ hội đường phố với các màn diễu hành Voi và trình diễn văn hoá cồng chiêng, đặc biệt, sẽ thiết lập kỷ lục “Phin cà phê lớn nhất Việt Nam”... Thông tin lễ hội được đăng tải trên website: http://www.lehoicaphe.vn; http://www.festivalcafe.vn.


Thị trường giao dịch kỳ hạn (thực chất là thị trường giao dịch hàng hoá) thế giới họ đã làm lâu rồi. Nếu làm tốt sẽ gắn kết được doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp lớn trên thế giới, nhưng thực chất nhiều doanh nghiệp trong nước còn yếu ở khâu cán bộ, thiếu cán bộ giỏi ngoại ngữ, sâu về chuyên môn, thương mại điện tử… Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang mua bán qua trung gian nước ngoài, thua thiệt về giá. Nay có sàn là kênh kết nối nhanh hơn nhưng cần khắc phục những mặt yếu kém .
- Vicofa đã có dự định gì cho năm mới?
Trong sân chơi toàn cầu, hiệp hội đóng vai trò là tiếng nói, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp thành viên. Vicofa thường xuyên cập nhật số lượng cà phê được trồng, giá cả, nhu cầu trong nước và thế giới… để cung cấp cho các doanh nghiệp; đồng thời, kiến nghị với chính phủ các chính sách; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng kênh bán cà phê vào Trung Quốc, Hàn Quốc... Được biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng Chiến lược phát triển cà phê bền vững để trình Chính phủ vào cuối năm nay. Năm 2011, các doanh nghiệp kỳ vọng Hiệp hội kiến nghị với Chính phủ vấn đề tạm trữ, bởi thu hoạch cà phê một lần song bán quanh năm. Ví như cà phê Robusta thế giới cần 80 nghìn – 100 nghìn tấn/tháng, nên chủ động tạm trữ, chúng ta bán đúng thời điểm người mua cần thì giá sẽ cao. Đồng thời, Hiệp hội sẽ kiến nghị  với các bộ, ngành liên quan về việc thúc đẩy các nước giảm thuế, mở cửa thị trường đối với cà phê chế biến của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước nên đẩy mạnh xúc tiến thương mại cà phê sang Trung Quốc, vì giới trẻ Trung Quốc rất thích cà phê Vịêt Nam. Còn các doanh nghiệp nhỏ trong nước, khi chưa lớn mạnh thì nên tập trung vào rang xay, tăng đầu tư vào chế biến, bán ngay cho thị trường trong nước, sẽ thu được ngay “tiền tươi thóc thật”, nên bắt đầu bằng việc nhỏ, còn tham vọng lớn phải có lộ trình, chứ không ai có thể lớn nhanh như Thánh Gióng được”.
- Xin cảm ơn ông!
Mai Hoa (Thực hiện).
  

Đọc thêm