Giữ gìn di sản cầu Long Biên - việc không thể lơ là

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cầu Long Biên thuộc tốp 10 cây cầu thép đẹp nhất thế giới. Đây là một di sản đã tồn tại hơn một thế kỷ, gắn bó trong tâm trí hàng triệu người dân Thủ đô. Vừa qua, cầu Long Biên lâm vào “trọng bệnh” khi xuất hiện lỗ thủng lớn khiến người dân không khỏi xót xa.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên

“Di sản sống” đang bị xuống cấp

Cầu Long Biên do Pháp xây dựng từ 1889 - 1902. Đây là cây cầu kim loại có quy mô lớn nhất thế kỷ 20 (dài 1.862m qua sông và hơn 1.300m qua hai bờ sông, với 18 nhịp, 20 trụ đỡ cao hơn 20m) được xây bằng những người thợ Việt Nam trong thời gian rất ngắn.

Cầu Long Biên - cây cầu được ví như “tháp Eiffel nằm ngang” vắt qua dòng sông Hồng, được khánh thành cũng đánh dấu giai đoạn Hà Nội chuyển hoá từ một đô thị truyền thống sang đô thị hiện đại. Dân gian có câu vè về cầu Long Biên: “Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/Tàu xe đi lại thong dong/Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”.

Cây cầu hơn trăm tuổi đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc. Cây cầu đã đi vào ký ức đẹp đẽ và hào hùng trong lòng người dân Hà Nội. Các nhà văn hóa, lịch sử, kiến trúc cho rằng, cầu Long Biên là di sản sống, là hồn cốt của Hà Nội, cần được đối xử trân trọng đầy tinh tế.

“Đây là cây cầu có giá trị hơn tất cả các cây cầu nào sau này. Hà Nội nếu thiếu đi cầu Long Biên thì không còn là Hà Nội nữa” - PGS. TS. KTS Tôn Đại khẳng định.

Vào ngày 28/5/2022, nhiều người phát hiện mặt cầu Long Biên xuất hiện lỗ thủng lớn. Không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường, lỗ thủng trên cầu lớn đến mức có thể lọt cả bánh xe máy và người đi bộ khiến nhiều người thấy xót xa khi biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử Thủ đô bị “trọng bệnh”.

Ông Nguyễn Quốc Vượng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) cho biết, dù Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cắm biển cấm ô tô và xe 3 bánh, nhưng người dân vẫn cố tình đi lên, thậm chí kể cả các xe ô tô. Cầu Long Biên có tuổi thọ 121 năm, đã quá tuổi khai thác cho giao thông. Tuy nhiên, mặt đường hai bên cánh gà cầu Long Biên vẫn đang làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho xe máy qua lại mật độ cao. Mặc dù cấm ô tô, xe ba bánh (phương tiện có trọng tải lớn) đi qua nhưng nhiều xe ba bánh vẫn bỏ qua quy định này, chở hàng đi qua cầu.

“Để bảo vệ sự an toàn cho người dân khi lưu thông trên cầu, chúng tôi đã dựng các dải phân cách mềm bằng nhựa nhằm phân luồng, không cho các xe ô tô hay xe ba gác, xe tự chế đi lên cầu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hàn các thanh thép chống, ngăn không cho xe máy đi lên phần đường dành cho người đi bộ. Hiện Công ty Hà Hải đang bố trí 3 người cho 1 ca trực, kiên quyết yêu cầu người dân chấp hành quy định. Lắp camera theo dõi trạng thái của cầu, phát hiện những vi phạm và trích xuất camera hàng ngày, hàng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng như CSGT Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội” - ông Nguyễn Quốc Vượng cho hay.

Hiện Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đang kiểm tra, rà soát toàn bộ các tấm đan đỡ mặt cầu. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện vị trí nào xung yếu, có nguy cơ mất an toàn đơn vị sẽ thay thế ngay.

Ý tưởng bảo tàng cầu Long Biên

Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong quy hoạch này, Cục Đường sắt nêu phương án không sử dụng cầu Long Biên để kết nối đường sắt quốc gia, sẽ xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng, trong đó có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, kết nối giữa hai ga nói trên sẽ có cầu đường sắt mới gần vị trí cầu Thanh Trì, khi hoàn thành tuyến vành đai phía Đông sẽ thay thế toàn bộ đoạn tuyến qua cầu Long Biên hiện có.

“Trên toàn thế giới hiện nay cũng chỉ còn có 24 cây cầu được xem là di sản thế giới cần phải lưu giữ, trong đó có cầu Long Biên. Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Pháp đã có ký kết thỏa thuận cấp nhà nước về yêu cầu duy tu bảo tồn di sản cầu Long Biên, chúng ta phải tôn trọng những cam kết đã thỏa thuận”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.

Còn nhớ cách đây nhiều năm đã có một số ý tưởng ban đầu thể hiện cách tiếp cận hiện đại đối với việc bảo tồn và phát triển di sản cầu Long Biên. Đó là đề xuất kiến trúc sư Nguyễn Nga – Việt kiều Pháp ở Paris về “bảo tàng” và “sinh động hóa” bản thân cây cầu, tổ chức vườn treo trên đường dẫn lên cầu, tổ chức không gian hàng trong các không gian vòm dưới đường dẫn, bảo tàng mỹ thuật…

Kiến trúc sư Nguyễn Nga đã từng tổ chức 2 kỳ Festival “Ký ức cầu Long Biên” năm 2009 và “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm Thăng Long – Hà Nội” năm 2010. Festival tạo ra một không gian sáng tạo cho hàng trăm nghệ sĩ trong nước và quốc tế, với hơn 20 hoạt động nghệ thuật trong 68 giờ: Triển lãm 100 bức tranh và 1000 bức ảnh về cầu Long Biên, treo 68 tác phẩm nghệ thuật trên cánh diều sáo Bắc bộ; trưng bày những dấu mốc lịch sử quan trọng của 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… Sự kiện đã thu hút hàng chục ngàn người tham dự, nhiều kênh truyền hình trong nước và quốc tế đưa tin...

GS.TSKH.KTS Hoàng Đạo Kính đưa ra ý tưởng, không gian ở giữa cầu, nơi có đường xe lửa và rộng chừng 4m, hầu hết nên dành cho việc tổ chức một dãy dài các gian hàng trưng bày, các shop đồ hàng lưu niệm và hàng thủ công, các điểm dịch vụ đa dạng, các quầy hàng giải khát… có kính gắn bên và mái che ở trên ít ảnh hưởng đến hình dáng của cây cầu. Với giải pháp này ta có thể tạo nên một dạng “chợ - cầu” có một không hai.

Mặt khác, đề nghị xây dựng một quy hoạch “Bảo tàng cầu Long Biên” có cơ sở khoa học, chọn lọc những cái tiêu biểu xứng đáng, trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn có hệ thống cho hậu thế mai sau.