Giữ gìn nét chữ “rồng bay, phượng múa”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ hiểu ý nghĩa và cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong từng nét chữ “rồng bay, phượng múa”, luyện thư pháp giúp người viết dưỡng tâm rèn tính, tìm thấy sự cân bằng trong nhịp sống hiện đại, gìn giữ nét văn hóa nước nhà.
Nghệ thuật thư pháp là nét đẹp văn hóa dân tộc cần gìn giữ. (Ảnh minh họa)
Nghệ thuật thư pháp là nét đẹp văn hóa dân tộc cần gìn giữ. (Ảnh minh họa)

Hòa cùng nhịp sống đương đại

Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và Viện Nguồn lực văn hoá Hàn Quốc vừa phối hợp tổ chức Cuộc thi viết và trưng bày “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhận định nghệ thuật thư pháp là một trong những nét văn hoá tương đồng của Việt Nam và Hàn Quốc, ông Kim Dong II - Thị trưởng thành phố Boryeong, Hàn Quốc cho rằng, Cuộc thi này sẽ giúp giới trẻ Việt Nam và Hàn Quốc khám phá vẻ đẹp của nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc và chia sẻ những câu nói sâu sắc, triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo bà Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, với sự tham gia của 100 thí sinh là những người yêu nghệ thuật thư pháp, sinh viên khoa tiếng Hàn đến từ các trường đại học của Việt Nam, cuộc thi không những đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hoá giữa hai nước mà còn khích lệ thế hệ trẻ không ngừng học hỏi và vươn lên trong tương lai.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, Triển lãm “Danh ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thư pháp Hàn Quốc” sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 28 - 30/11/2022. Triển lãm sẽ trưng bày những tác phẩm đạt giải thể hiện trên điêu khắc gỗ, viết trên giấy cùng Văn phòng Tứ Bảo là các hiện vật quý liên quan đến nghệ thuật thư pháp Hàn Quốc.

Có thể nói, thư pháp không còn là thú chơi lặng lẽ của những người yêu thích nghệ thuật này mà đã thực sự hòa mình cùng lễ hội, giới thiệu rộng rãi với công chúng. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân, lễ hội nghề truyền thống trên mọi miền Tổ quốc, thư pháp luôn được dành một không gian riêng để các “ông đồ, bà đồ” phô diễn tài năng.

Tại Festival Huế, nhà thư pháp Nguyệt Đình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Huế cho biết: “Chúng tôi muốn qua tác phẩm thư pháp để xiển dương văn hóa Huế với khách tham quan. Tác phẩm được thể hiện bằng nhiều chất liệu phong phú, như: sành sứ, giấy, lụa, gỗ, đá… tạo nên những dấu ấn khác biệt. Hoặc viết thư pháp trên quạt, nón, lồng đèn cũng là cách chúng tôi quảng bá nghề làm nón, quạt, lồng đèn của Huế với du khách gần xa”.

Khơi lại mạch nguồn di sản

Có thể nhiều người cho rằng, trong xã hội ngày nay, vị trí của thư pháp đang bị “chìm dần” và mờ nhạt. Tuy nhiên, với những ai đã đam mê thì giá trị của thư pháp luôn trường tồn. Vẫn có những người trẻ không chỉ yêu thích thư pháp mà còn gắn bó với thư pháp, qua đó không ngừng nỗ lực học hỏi để tiếp nối, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cách đây hơn 10 năm, tại chùa Nhân Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội), vào Thứ Bảy hàng tuần, nhiều bạn trẻ mê thư pháp thích đạo Thánh hiền lại tìm để học chữ, học đạo. Tại “giảng đường” của lớp học đạo Khổng Tử, các bạn trẻ học thư pháp, học những giá trị đạo đức truyền thống. Đây không chỉ là lớp học của những người đam mê thư pháp mà còn là lớp học “hướng thiện”, giúp họ tìm đến những khoảng lặng bình yên cho tâm hồn. Lớp học không phân biệt già trẻ, gái trai, sang hèn và hoàn toàn miễn phí.

Anh Ngô Thiên Thạch (TP Quy Nhơn) thành lập CLB Thư pháp trẻ Bình Định cho biết: “CLB không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức về nghệ thuật thư pháp giữa các thành viên mà còn là nơi để những người yêu thích thư pháp tìm đến giao lưu, học hỏi về thư pháp. Qua đó, CLB cũng muốn lưu giữ những giá trị, những nét đẹp văn hóa truyền thống, những nét đặc trưng của tinh thần “đất Võ Bình Định”.

Thư pháp gia Nguyễn Mạnh Hùng tâm huyết: “Những “thầy đồ” lớn tuổi như chúng tôi rất muốn gìn giữ nghệ thuật thư pháp, đặc biệt là viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ để tạo nên vẻ đẹp riêng của con người Việt Nam. Tôi mở lớp dạy viết thư pháp ngay tại nhà để có thể truyền đạt những gì mình hiểu, mình học được về nghệ thuật thư pháp cho thế hệ sau”.

Có thể thấy, những “ông đồ”, những câu lạc bộ, lớp dạy thư pháp đều là nỗ lực khơi lại mạch nguồn di sản của văn hóa dân tộc. Với mong muốn tiếp nối những giá trị tốt đẹp, tinh túy trong thư pháp, họ đã khẳng định một sức sống trẻ vẫn luôn tồn tại trong môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Đọc thêm