“Giữ” thương hiệu nước mắm Phú Quốc, mất 20 ngàn đô?

20 ngàn USD là chi phí để Hội nước mắm Phú Quốc tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc dưới hình thức nhãn hiệu tập thể theo Hiệp định Madrid. Đăng ký thành công, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam có thể được bảo hộ ở 84 quốc gia trên toàn thế giới.

20 ngàn USD là chi phí để Hội nước mắm Phú Quốc tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc dưới hình thức nhãn hiệu tập thể theo Hiệp định Madrid. Đăng ký thành công, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc của Việt Nam có thể được bảo hộ ở 84 quốc gia trên toàn thế giới.

Đây là khuyến nghị của luật sư Lê Quang Vinh, giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật Bross và Cộng sự khi trao đổi với phóng viên Pháp luật Việt Nam chiều ngày 20/9 sau sự kiện công ty này gửi thông báo cho Hội nước mắm Phú Quốc về việc thương hiệu Phú Quốc đang bị xâm phạm tại Hồng Kông ( Trung Quốc).

Nhãn hiệu Phú Quóc trên sản phẩm của công ty Viet Huong - Hoa Kỳ

Theo chỉ dẫn của luật sư Vinh, không chỉ Hội nước mắm Phú Quốc mà các Hiệp Hội, Hội khác đang được giao khai thác và quản lý các chỉ dẫn địa lý quốc gia nổi tiếng của Việt Nam cũng cần quan tâm và “nhanh chân” tiến hành đăng ký ngay, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Theo thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện Việt Nam đang có 27 chỉ dẫn địa lý được công nhận và thời gian tới có một số chỉ dẫn địa lý khác sẽ tiếp tục được công nhận.

“Việc công nhận chỉ dẫn địa lý mới chỉ là một công đoạn chứ chưa phải là công việc hoàn tất mà nhờ đó quyền sở hữu trí tuệ với chỉ dẫn địa lý được công nhận sẽ được bảo vệ tuyệt đối. Còn hàng loạt vấn đề khác phải làm như : xây dựng, tổ chức, tập hợp kinh phí, gây quỹ…các vấn đề pháp lý ở nước ngoài. Bối cảnh chung của các chỉ dẫn địa lý ở nước ta là chưa được bảo vệ một cách đồng bộ, đặc biệt là ở nước ngoài mình chẳng quan tâm dù đã mất nhiều và cũng đã cảnh báo rất nhiều”, luật sư Vinh nói.


Chủ thể nước ngoài sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đồng nghĩa với việc tài sản sở hữu trí tuệ của Việt Nam bị chiếm đoạt. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có thể bị kiện khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài- những nước đã bảo hộ độc quyền cho các nhãn hiệu nói trên-. Các doanh nghiệp còn có thể bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu đã bảo hộ.

Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đang bị xâm phạm ở Hồng Kông là minh chứng sống động cho thực trạng trên.

Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc là nhãn hiệu đầu tiên được công nhận bảo hộ quốc gia vào năm 2001. Thời điểm chưa có khái niệm chỉ dẫn địa lý trong các quy định bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam nên nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc được bảo hộ dưới tên gọi : bảo hộ xuất xứ hàng hóa theo Luật dân sự và NĐ 63/1996.

Sau 4 năm, năm 2005 Bộ Thủy sản mới ban hành qui chế tạm thời về kiểm soát, chứng nhận nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc. Hội nước mắm Phú Quốc được giao thẩm quyền khai thác tên thương mại, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, cấp giấy phép cho các đơn vị được sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc trên sản phẩm của mình.

Tới năm 2010, Hội nước mắm Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang mới xúc tiến hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể này ra nước ngoài và cụ thể là các nước EU. Theo  bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ tịch Hội thì hiện nay Hội nước mắm Phú Quốc vẫn đang chờ phản hồi từ cơ quan hữu trách của EU.

  Trong khi thực tế thì chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đã bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1982. Đó là công ty Viet Huong Fishsauce- Hoa Kỳ, được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc từ năm 1982. Trên các sản phẩm nước mắm của công ty này từ năm 1982 tới nay sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” có hình bản đồ VN và đảo Phú Quốc.

Sau đó công ty này đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở cộng đồng chung Châu Âu và Úc. Mới đây nhất- năm 2006, công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên. “ Nhiều khả năng đây là công ty của người gốc Việt, chúng tôi suy đoán công ty Viet Huong ở Hồng Kông nhiều khả năng cũng là công ty con của Viet Huong Hoa Kỳ”.

Không phải vô căn cứ mà luật sư Vinh suy đoán như vậy. Theo tra cứu của vị luật sư này thì ngày 11/5/2011 chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Trung Quốc theo số 9448516 cho sản phẩm thuộc nhóm 30 ( nhóm có chứa sản phẩm nước mắm), dưới tên của công ty Viet Huong Trading Company Limited, pháp nhân ở Hồng Kông.
Sau khi phát hiện sự việc, ngày 16/9/2011, công ty Bross & Partners đã gửi thông báo cho Hội nước mắm Phú Quốc tại Kiên Giang. Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, sau khi gửi thư cảnh báo thì công ty Bross & Partners chưa nhận được phản hồi chính thức nào từ phía Hội nước mắm Phú Quốc.

Trong trường hợp này, theo luật Trung Quốc thì bất cứ bên thứ ba nào nếu như có căn cứ cho rằng việc đăng ký của công ty Viet Huong với nhãn hiệu Phú Quốc cho nhóm 30 sẽ  ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của mình thì có quyền gửi đơn khiếu nại.

Như vậy, Hội nước mắm Phú Quốc là đơn vị có tư cách pháp lý tốt nhất để gửi đơn khiếu nại tới cơ quan đăng ký nhãn hiệu Trung Quốc.

Luật sư Vinh cho biết đơn này có thể có hiệu quả ngay, việc đăng ký của công ty Viet Hương sẽ bị từ chối. Hoặc nếu không thì cơ quan đăng ký nhãn hiệu cũng sẽ phải dừng việc xem xét đơn ít nhất 2-3 năm vì họ biết nếu cấp họ sẽ phải đối mặt với việc bị kiện do có tranh chấp.

Dư luận đang trông chờ Hội nước mắm Phú Quốc cũng như UBND tỉnh Kiên Giang sẽ có động thái quyết liệt hơn trước tài sản Sở hữu trí tuệ quan trọng không chỉ với các doanh nghiệp của tỉnh này mà với cả quốc gia.

Luật sư Vinh cũng cho biết thêm, chi phí để trợ giúp cho Hội nước mắm Phú Quốc gửi khiếu nại tới ‘đúng người, đúng chỗ” không phải là lớn.

Thanh Lương

Những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đang bị chiếm đoạt ở nước ngoài


. Chỉ dẫn địa lý BUON Ma THUOT bị công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Cofee đăng ký độc quyền nhãn hiệu tại lãnh thổ Trung Quốc.

. Thương hiệu DAK LAK đã được công ty ở Pháp là ITM Entreprises đăng ký độc quyền thương hiệu.

. Nước mắm Phú Quốc bị công ty Viet Huong Fishsauce- Hoa Kỳ đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Hoa Kỳ và cộng đồng chung Châu Âu, Trung Quốc và Úc.

Đọc thêm