Trung tâm đấu giá: Chỉ tồn tại ở những vùng khó khăn
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, việc chuyển đổi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (BĐGTS) sang mô hình doanh nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên đến nay, sau 04 năm thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP vẫn chưa có Trung tâm dịch vụ BĐGTS nào chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do Nghị định số 17/2010/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về tiêu chí, lộ trình cụ thể về việc chuyển đổi. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý ngại ngần chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp để hưởng chế độ bao cấp của Nhà nước. Sự tồn tại các Trung tâm BĐGTS là không phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động BĐGTS và thông lệ quốc tế.
Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cần phải có quy định về lộ trình, tiêu chí cụ thể cho việc chuyển đổi Trung tâm dịch vụ BĐGTS sang mô hình doanh nghiệp BĐGTS, tiến tới việc Trung tâm dịch vụ BĐGTS chỉ còn tồn tại ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhu cầu về BĐGTS ít và vẫn cần Trung tâm dịch vụ BĐGTS để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần chuyển đổi Trung tâm dịch vụ BĐGTS sang mô hình doanh nghiệp để đảm bảo chủ trương xã hội hóa hoạt động BĐGTS, tuy nhiên cần có lộ trình cụ thể.
Theo đó, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 2 doanh nghiệp BĐGTS trở lên thì phải thực hiện việc chuyển đổi trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực. Đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có doanh nghiệp BĐGTS thì cần tiếp tục duy trì Trung tâm. Chính phủ hướng dẫn lộ trình chuyển đổi cụ thể đối với các Trung tâm dịch vụ BĐGTS.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, các Trung tâm dịch vụ BĐGTS phải chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Dự thảo Luật Đấu giá tài sản thể hiện vấn đề này theo loại ý kiến thứ nhất.
Duy trì Trung tâm để có sự lựa chọn
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, chủ trương xã hội hóa là đúng nhưng vẫn nên duy trì các Trung tâm để người có tài sản có sự lựa chọn. Tuy nhiên, đại diện này cho rằng không nhất thiết tỉnh nào cũng phải có Trung tâm. Mặt khác, nếu quy định bắt buộc tỉnh phải có 2 doanh nghiệp trở lên phải chuyển đổi thì có khi đến 10 năm cũng chưa chuyển đổi được. Do đó, chỉ nên quy định Trung tâm nào không thể tồn tại thì mới cần chuyển đổi.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Văn phòng Chính phủ tỏ rõ quan điểm xã hội hóa toàn diện là không nên, bởi doanh nghiệp hoạt động phải đặt lợi nhuận lên đầu. Không có Trung tâm là rất khó xử lý một số loại tài sản đặc thù, khó bán như tài sản xử lý vi phạm hành chính. Đại diện này cũng cho rằng lộ trình 2 năm phải chuyển đổi như Dự thảo là cứng nhắc.
Ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm Đấu giá Hải Dương tỏ ra rất thận trọng: “Nên giữ các Trung tâm để còn thực hiện nhiệm vụ chính trị là bán các tài sản nhà nước như tài sản thanh lý của các cơ quan, tài sản xử lý nợ cho các ngân hàng, tài sản thi hành án. Giao các doanh nghiệp rất dễ dẫn đến tình trạng thông đồng dìm giá, cò mồi gây thất thoát tài sản nhà nước. Nếu muốn xã hội hóa, Luật nên phân cấp cho UBND cấp tỉnh, nơi nào thấy cần thiết thì giữ Trung tâm và ngược lại”.
Vấn đề này, phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Cái gì xã hội làm tốt thì nên để xã hội làm, do đó không nên chần chừ. Tuy nhiên, những nơi khó khăn không thể xã hội hóa thì Nhà nước vẫn phải làm”.
Bộ trưởng cũng lưu ý cần rà soát các quy định liên quan, đặc biệt là Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự… để có quy định phù hợp. Riêng quy định về Đấu giá viên, Bộ trưởng lưu ý phải tìm ra những đặc thù để từ đó quy định Đấu giá viên phải có tiêu chuẩn cao. Bên cạnh tiêu chuẩn về trình độ, cần đề cao đạo đức của những người hành nghề đấu giá.