Giúp đối tượng yếu thế tiếp cận công lý hiệu quả hơn

(PLVN) - Ngày 23/8, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Bộ công cụ khảo sát, đánh giá thực trạng nhận thức, nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế và nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Hội thảo do Liên minh châu Âu và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đồng tài trợ trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE).

Đánh giá thực trạng nhận thức pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, công tác PBGDPL đã đóng góp một vai trò quan trọng đối với ổn định an ninh quốc phòng, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế. Vì vậy, công tác PBGDPL ngày càng nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Với nhiều văn bản liên quan, hệ thống thể chế về công tác PBGDPL ngày càng hoàn thiện, giúp công tác này đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, đạt nhiều thành tựu, được các cơ quan, đoàn thể, người dân và doanh nghiệp ghi nhận. Một biểu hiện rõ nét là vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên, trong đó có thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số ngày càng giảm; môi trường kinh doanh ổn định, vi phạm pháp luật về thuế giảm…

Vụ trưởng Lê Vệ Quốc phát biểu khai mạc Hội thảo
Tuy nhiên, theo ông Quốc, công tác PBGDPL còn tồn tại một số hạn chế, đáng lưu ý có những vùng miền bị coi là “đói” thông tin pháp luật, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, tập trung vào nhóm người dân tộc thiểu số.
Để khắc phục, các cấp ủy, chính quyền ban hành, triển khai nhiều chương trình, đề án liên quan đến PBGDPL cho người dân tộc thiểu số. Có điểu, việc triển khai các chương trình, đề án này hiệu quả đến đâu, đạt được mong muốn đề ra hay chưa thì thẳng thắn mà nói là chưa được như mong muốn.

“Có nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân cơ bản là yếu tố con người. Cụ thể ở đây là đội ngũ trực tiếp làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; rồi đặc biệt là đồng bào dân tộc còn hạn chế về nhận thức pháp luật” – ông Quốc chỉ rõ.

Nhằm xây dựng những hoạt động, trong đó có hoạt động đưa thông tin pháp luật đến nhóm đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thì ông Quốc quan niệm, phải đo lường được mức độ nhận thức của họ về pháp luật ra sao để truyền tải thông tin đến họ không bị hụt hẫng, không thiếu hay không bị quá tải. Khi đã đo lường được mức độ nhận thức thì cũng cần lượng hóa được nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác tuyên truyền để xây dựng chương trình, nội dung, tài liệu bồi dưỡng cho họ, nhất là kỹ năng chuyên biệt dành cho nhóm yếu thế. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp phối hợp với Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN (Hội Luật gia Việt Nam) xây dựng 2 Bộ công cụ khảo sát gồm: Đánh giá thực trạng nhận thức pháp luật của các nhóm đối tượng yếu thế, tập trung vào phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người nghèo và người dân tộc thiểu số...; Nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Với mục tiêu hoàn thiện 2 Bộ công cụ, hội thảo này là cơ hội, diễn đàn để chuyên gia, đại biểu góp ý thẳng thắn, cởi mở về Bộ công cụ, giúp nhóm tác giả sẽ có thông tin hữu ích hoàn chỉnh Bộ công cụ thật chất lượng, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong quá trình khảo sát.

Sẽ áp dụng 2 Bộ công cụ tại 6 tỉnh  

Ở Việt Nam, Chính phủ rất chủ động và tích cực trong việc xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp, hoàn thiện và tổ chức và thi thành pháp luật nhằm chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và nhóm yếu thế tham gia vào đời sống chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa tại Việt Nam. Nhưng nước ta vẫn còn những thách thức về bất bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tư pháp, nhu cầu pháp lý chưa được đáp ứng và nhiều ý kiến chưa được lắng nghe trong quá trình hoạch địch chính sách và pháp luật. 

Chuyên gia quốc tế góp ý xây dựng 2 Bộ công cụ

Còn với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PBGDPL. Đội ngũ này là cầu nối giữa pháp luật, chính sách và người dân. Bởi thế, ngoài việc khảo sát nhận thức, nhu cầu pháp lý của người dân, khảo sát nhu cầu nâng cao năng lực của báo cáo viên, tuyên truyền viên để đội ngũ này có thể đáp ứng nhu cầu pháp lý của người dân cũng là điều thiết yếu. 

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2018, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật có tổng số 169.360 người (trung bình mỗi năm tăng khoảng 8,4%). Với đội ngũ đông đảo này, việc nâng cao năng lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các tiêu chuẩn về điều kiện, năng lực còn quy định khá chung chung, các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này còn hạn chế về số lượng, chương trình, nội dung, hình thức tập huấn chưa có nhiều đổi mới.

Bà Catherine Phuong cam kết UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác tuyên truyền pháp luật
“Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa lý do tất cả chúng ta tập trung tại Hội thảo, đó là hợp tác để xây dựng 2 Bộ công cụ khảo sát hữu hiệu để đánh giá thực trạng nhận thức, nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế và nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hiện nay” - bà Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chia sẻ và cam kết: “Hoạt động này sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục nỗ lực thúc đẩy trao quyền pháp lý và tiếp cận hệ thống tư pháp hiệu quả hơn với tất cả mọi người.”

Dự kiến, 2 Bộ công cụ sẽ được sử dụng tại 6 tỉnh là Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang và Đồng Tháp để tiến hành nghiên cứu về thực trạng nhận thức, nhu cầu pháp luật của nhóm yếu thế và đánh giá được nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

Dữ liệu từ hai báo cáo nghiên cứu này sẽ làm căn cứ để Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cho các cơ quan và cán bộ tư pháp trong việc cung cấp thông tin pháp luật, dịch vụ pháp lý hỗ trợ nhóm yếu thế tiếp cận hệ thống tư pháp hiệu quả hơn.

Đọc thêm