Giúp người khuyết tật đòi di sản thừa kế

(PLVN) - Từ sự giúp đỡ của Trợ giúp viên pháp lý, người khuyết tật đã được hưởng di sản thừa kế từ cha mẹ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Ông Lê Vân La và bà Huỳnh Thu Hải ở xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) nên nghĩa vợ chồng từ những năm 1950. Quá trình chung sống, ông bà khai khẩn được 16.760m2 đất trồng lúa. 

Năm 1969 ông qua đời, 03 đứa con trai cũng lần lượt hy sinh trong kháng chiến,  nhưng bà đành ở vậy chăm con là cô Lê Thị Lài bị bệnh thần kinh từ hồi còn nhỏ. 

 Ba mươi năm sau, bà Hải cũng bỏ cô Lài ra đi nên ngày 18/3/1998 chính quyền địa phương và nhân dân trong ấp thống nhất giao cho bà Trần Thị Phương là em cô cậu của cô Lài tạm quản lý để canh tác, nuôi dưỡng cô Lài. 

Sử dụng đất đến năm 2003, bà Phương đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), năm 2014 bà Phương chết để lại di chúc giao phần đất này cho 03 đứa cháu ngoại. 

Trớ trêu thay, người giám hộ cho cô Lài lần này lại không phải là 03 người cháu của bà Phương, mà là bà Nguyễn Thị Trang. 

Thấy quyền lợi của cô Lài bị thiệt thòi, bà Trang đề nghị tổ hòa giải và chính quyền địa phương giải quyết trả lại di sản thừa kế cho cô Lài, nhưng 03 đứa cháu của bà Phương đều thẳng thừng từ chối. 

Cực chẳng đã, bà Trang phải yêu cầu Tòa án hủy bỏ GCN do bà Phương đang đứng tên để cấp lại cho cô Lài, đồng thời buộc những người sử dụng phải trả lại đất cho cô Lài. 

Một trường hợp khác ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cũng tương tự. Nguồn gốc 9.240m2 (thực tế 10.611,3m2) là của vợ chồng ông Trần Thanh canh tác từ năm 1992. Năm 1994, ông Thanh được cấp GCN bìa xanh, năm 2004 được đổi sang bìa đỏ.  

Năm 2005, vợ chồng ông Thanh đều lần lượt qua đời nên cô Hoa đem Hùng về nuôi, còn Cam do khuyết tật thần kinh nên được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh nuôi dưỡng. Toàn bộ đất đai khi ấy đều do ông Trần Minh Văn là bác của các cháu quản lý, sử dụng. 

Hơn mười năm trôi qua, nay Hùng cũng đã lớn nên cậy người nói khó với bác, kể cả nhờ chính quyền hòa giải để lấy lại phần đất mà cha mẹ để lại nhưng đều vô ích.

Không còn sự lựa chọn nào khác, anh Hùng đành lòng phải kiện bác ra tòa nhưng ông Văn vẫn cố giữ đất, kéo dài thời gian giải quyết. Ông cho rằng, mình mới là người được hưởng nên có đơn phản tố đòi công nhận quyền sử dụng đất 10.611,3m2, đồng thời buộc Hùng, Cam và cô Hoa phải làm thủ tục sang tên trên GCN cho mình. 

Hai trường hợp trên thuộc diện “Người khuyết tật” có khó khăn về tài chính theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 nên được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho họ trong suốt quá trình giải quyết vụ án.  

Kết quả thực hiện, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã thu thập chứng cứ, chứng minh yêu cầu đòi lại đất của cô Lài là có cơ sở,... nên Tòa đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, hủy bỏ GCN của bà Phương, đồng thời buộc những người cháu của bà Phương phải trả lại đất cho cô Lài.

Về vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất ở huyện Hòn Đất, sau nhiều năm theo đuổi vụ kiện, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã chứng minh yêu cầu chia thừa kế của anh Hùng và chị Cam là hợp pháp nên tòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc vợ chồng ông Văn phải trả lại 10.611,3m2 đất cho các cháu sử dụng.

Những trường hợp tương tự như hai vụ việc nêu trên không phải là chuyện hiếm gặp, mà nguyên nhân có lẽ cũng bắt nguồn từ chữ “tham” từ những người thân trong gia đình và sự thiếu hiểu biết pháp luật của người trong cuộc. 

Pháp luật đã quy định về quyền được hưởng di sản thừa kế, hàng thừa kế, quyền sở hữu tài sản, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ, người giám sát người giám hộ trong việc chăm sóc, sử dụng tài sản của người được giám hộ,... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và thực thi đúng quy định để bảo vệ cho người được giám hộ, nhất là những người khuyết tật thần kinh, tâm thần, khuyết tật trí tuệ. 

Nên chăng, tổ chức bảo vệ người khuyết tật cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục những quy định nêu trên, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự đã, đang và sẽ xảy ra trong thời gian tới.

(Tên nhân vật đã được thay đổi).

Đọc thêm