Đây là một sáng kiến đầu tư cộng đồng toàn cầu của AstraZeneca, tập trung vào thanh, thiếu niên với các can thiệp dự phòng các bệnh không lây nhiễm (BKLN) phổ biến như: ung thư, tiểu đường, tim mạch, phổi mãn tính. Dự án sẽ được thực hiện từ tháng 6 năm 2023 đến tháng 12 năm 2025.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các BKLN chiếm 77% tổng số ca tử vong ở Việt Nam năm 2018. Trong năm 2014 và 2011, các BKLN ước tính lần lượt chiếm 73% và 75% tổng số ca tử vong ở Việt Nam, cho thấy xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ trong các ca tử vong ở Việt Nam.
WHO ước tính thanh niên từ 10 - 24 tuổi chiếm khoảng 21% dân số Việt Nam vào năm 2023.
WHO ước tính xác suất tử vong sớm (từ 30 đến 70 tuổi) do BKLN năm 2018 là 17% (23% nam, 11% nữ) ở Việt Nam, tương đương với mức 17% ước tính của năm 2014. Bệnh tim mạch và ung thư là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong liên quan đến BKLN, chiếm tỷ lệ tương ứng là 31% 7 và 19%.
Kết quả Khảo sát toàn cầu về hành vi sức khỏe trẻ em năm 2019 tại Việt Nam do Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với WHO thực hiện đã cung cấp bằng chứng về hành vi và chỉ số ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Theo báo cáo, so sánh kết quả khảo sát năm 2013 và 2019: Tỷ lệ trẻ em ăn đồ ăn nhanh tăng lên; Tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng; Tỷ lệ trẻ em thừa cân ngày càng tăng; Tỷ lệ trẻ nhẹ cân giảm 50% nhưng số trẻ thừa cân lại tăng từ 5,8% lên 10,6% vào năm 2019.
Lần đầu tiên, cuộc khảo sát bao gồm một chỉ số về việc trẻ em tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử. Trên toàn quốc, tỷ lệ này là 2,6% nhưng tăng vọt lên 7,9% ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của các biện pháp can thiệp để ngăn chặn các hành vi nguy cơ.
Chương trình Sức khỏe Thanh, thiếu niên giai đoạn 2023 - 2025 là một chương trình 3 năm nhằm mục đích góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt nhóm tuổi từ 10 - 24 thuộc quận Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh và Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Mục tiêu cụ thể của chương trình này nhằm bảo đảm rằng giới trẻ ở Hà Nội được nâng cao nhận thức về những hành vi nguy cơ và những biện pháp phòng tránh các bệnh không lây nhiễm để từ đó họ có năng lực để đưa ra những quyết định về vấn đề sức khỏe của họ, trong bối cảnh các dịch vụ y tế được cải thiện, hệ thống y tế và môi trường chính sách thuận lợi.
Sau ba năm triển khai của giai đoạn 1, mặc dù phải đối mặt với nhiều thử thách của đại dịch COVID-19, chương trình Sức khỏe Thanh, thiếu niên tại Việt Nam đã hoàn thành tất cả các mục tiêu chính và có tác động quan trọng đến các nhóm đối tượng đích. Trong đó có thể kể đến một số kết quả đáng khích lệ như: 81% thanh, thiếu niên tham gia Chương trình đã thể hiện sự tăng cường nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây BKLN,79% tăng cường nhận thức về từ 3 loại BKLN trở lên và tỷ lệ thanh, thiếu niên có các hành vi tích cực về dinh dưỡng lành mạnh tăng 63%.