Thực tế hiện nay cho thấy, còn nhiều việc đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua, với số tiền rất lớn. Một trong những nguyên nhân chính là do đương sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao nên xảy ra sự chống đối quyết liệt. Nhiều vụ việc còn xuất phát từ nguyên nhân người có tài sản bị kê biên, xử lý, bán đấu giá là bên thứ ba bảo lãnh, thế chấp tài sản để cho người phải thi hành án vay nợ ngân hàng.
Do sự hiểu biết pháp luật hạn chế, do tin tưởng người thân, bạn bè hoặc có trường hợp cần vay một số tiền nhỏ mà người có tài sản thế chấp giao tài sản, thế chấp tài sản và bảo lãnh để cho người phải thi hành án vay ngân hàng số tiền lớn. Khi bị xử lý tài sản thế chấp, người bảo lãnh mới hiểu rõ về trách nhiệm bảo lãnh, bị mất tài sản nhưng khó buộc được trách nhiệm của người phải thi hành án dẫn đến tâm lý hoang mang, bức xúc, chống đối quyết liệt, thậm chí manh động để cản trở việc thi hành án, cản trở việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Mặc dù chiếm số lượng vụ việc không nhiều nhưng vẫn còn một số trường hợp người phải thi hành án, người có tài sản bị xử lý, kê biên lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để tạo sức ép, cản trở, kéo dài việc thi hành án. Ngoài ra, có các vụ việc do còn tồn tại các quan điểm khác nhau về cách hiểu, cách áp dụng pháp luật nên chưa có sự đồng thuận, nhất trí giữa các ngành liên quan hoặc không được sự ủng hộ của chính quyền địa phương hoặc của cơ quan liên ngành địa phương dẫn đến việc tổ chức cưỡng chế bị gián đoạn, chưa thực hiện được, kéo dài, tồn đọng. Một số vụ việc chưa giao được vì lý do khác như người mua không nhận tài sản do quá thời hạn, tài sản đã bán không đúng thực tế, hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, người mua chưa nộp đủ tiền mua tài sản…
Để góp phần khắc phục tình trạng trên, các cơ quan THADS cần tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch chỉ đạo, giải quyết các vụ việc thi hành án có tài sản bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua và đã bán đấu giá thành nhưng không giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá của Tổng cục THADS. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp liên ngành, sự ủng hộ vào cuộc của các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong công tác THADS.
Đối với những việc đang bán đấu giá nhưng không có người mua, những việc đang làm thủ tục để bán đấu giá và việc đã bán đấu giá thành, cần tiếp tục thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục về bán đấu giá, thẩm định giá, giảm giá và xây dựng kế hoạch thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng để giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá đúng thời hạn quy định. Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà không có người đăng ký mua thì có thể giải thích, vận động, đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng là người được thi hành án nghiên cứu, lên phương án nhận những tài sản này để trừ vào nghĩa vụ của người phải thi hành án theo quy định.
Các cơ quan THADS cần chủ động, sát sao chỉ đạo, giám sát các đơn vị và các chấp hành viên thực hiện rà soát, phân loại, lập danh sách các việc thi hành án bán đấu giá thành và bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá. Xây dựng kế hoạch chi tiết của từng vụ việc cụ thể và chủ động phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương để thống nhất kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổ chức thi hành giao tài sản cho người mua trúng đấu giá kịp thời, đúng pháp luật, không để xảy ra bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Theo đó, đối với những việc chưa bàn giao tài sản được thuộc thẩm quyền của các Cục THADS địa phương, lãnh đạo Cục cần chủ động phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan để tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật. Đối với những việc thuộc thẩm quyền các Chi cục THADS thì Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có vụ, việc trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan thi hành án cấp huyện tổ chức cưỡng chế, bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá để tránh gây bức xúc cho người mua tài sản và nâng cao uy tín của các cơ quan tổ chức bán đấu giá.
Ngoài ra, để phần nào tháo gỡ nút thắt trong bàn giao tài sản giữa chủ tài sản và người trúng đấu giá, từ đó tạo sức hút hơn với người mua các loại tài sản này, cần thiết có những quy định riêng về trình tự, thủ tục cho việc bán đấu giá tài sản trong THADS. Không nên quy định chung thủ tục bán đấu giá cưỡng bức như trong THADS với việc bán đấu giá tài sản tự nguyện như tài sản thông thường khác bởi tài sản trong THADS có những đặc trưng riêng biệt, dễ phát sinh nhiều vấn đề nhạy cảm.