Gỡ khó xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu (XK) tôm hùm sang Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD (giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022). Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường chủ lực khi chiếm 98 - 99% kim ngạch XK tôm hùm.
Nuôi tôm hùm bông ở Khánh Hoà. (Ảnh: Xuân Hoát - VOV)
Nuôi tôm hùm bông ở Khánh Hoà. (Ảnh: Xuân Hoát - VOV)

Quy định mới từ thị trường xuất khẩu chủ lực

Tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức cuối tuần qua, ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản (NTTS) - Du lịch Vân Phong (Khánh Hòa) cho biết, HTX đang tồn đọng gần 100 tấn tôm hùm thịt chưa thể XK, điều này tạo khó khăn cho xã viên trong thanh toán tiền đầu tư. Đây cũng là tình trạng chung của các đơn vị đang XK tôm hùm hiện nay.

Ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (CLCB&PTTT - Bộ NN&PTNT) thông tin, hiện tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các đối tượng tôm hùm XK chính. Trong các thị trường XK tôm hùm của Việt Nam, Trung Quốc chiếm 98 - 99%. Riêng Trung Quốc, Việt Nam hiện có 46 cơ sở bao gói được XK tôm hùm vào thị trường này. Trong 9 tháng đầu năm 2023, XK tôm hùm sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD (giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022).

Nguyên nhân là do từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm II. Tháng 5/2023, Trung Quốc sửa Luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021. Trong đó, tôm hùm bông tự nhiên được quy định cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán. Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) chỉ đạo hệ thống Hải quan các cửa khẩu kiểm soát chặt tôm hùm bông khai thác tự nhiên nhập khẩu.

Do vậy, theo đại diện Cục CLCB&PTTT, tôm hùm bông XK sang Trung Quốc phải là tôm nuôi và cách xác định không đánh bắt trực tiếp là phải chứng minh quá trình nuôi, thậm chí con giống khai thác từ tự nhiên cũng được coi là tôm khai thác tự nhiên...

Về con giống, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore. Năm 2022, số lượng con giống nhập về là 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, con số này là 59 triệu. Tuy nhiên, ngành tôm hùm gặp một số khó khăn như một số nước cấm XK nên nguồn cung thiếu ổn định; tháng 7/2023, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng gây ra do virus - WSSV…

Cần giải pháp căn cơ

Theo lãnh đạo Cục CLCB&PTTT, để XK tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc, nước XK phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi; đăng ký cơ sở bao gói XK với GACC để phê duyệt (Cục CLCB&PTTT đã có Văn bản số 1388- 1389/CCPT-ATTP ngày 23/11/2023 hướng dẫn thống kê, đăng ký). Biểu mẫu, thông tin đăng ký sẽ được gửi qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, GACC sẽ kiểm tra trực tiếp và trực tuyến trước khi phê duyệt.

Lãnh đạo Cục CLCB&PTTT lưu ý các đơn vị XK cần đảm bảo các yêu cầu: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của quốc gia được GACC đánh giá, công nhận tương đương; Sản phẩm XK nằm trong danh mục được Trung Quốc công nhận (128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống). Bên cạnh đó, các cơ sở NTTS được cơ quan quản lý NTTS/thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP, điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số, lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi. Các lô hàng XK được cấp chứng thư, danh mục chứng thư hàng ngày gửi GACC (Nam Ninh) để đối chiếu…

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu khẩn trương xử lý vấn đề XK tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ. Trong thời gian chờ phía Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, Thứ trưởng yêu cầu Cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của Luật Thủy sản 2017 (Điều kiện về NTTS; Xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; Cấp phép NTTS trên biển; Xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có nguồn gốc từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi…).

Sau khi phía Trung Quốc cung cấp đủ thông tin và biểu mẫu đăng ký mới, tổ chức thực hiện rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông XK sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc chuyển Cục CLCB&PTTT để gửi cho phía Trung Quốc.

Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị các đơn vị liên quan đề xuất và đưa vào kế hoạch ưu tiên các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học đồng bộ phục vụ phát triển nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghiệp; tổ chức nghiên cứu hướng tới khép kín chuỗi giá trị tôm hùm trong môi trường nhân tạo. Nghiên cứu, đưa vào thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển nuôi biển công nghiệp.

Đọc thêm