Gỡ nút thắt cấp thị thực để ngành du lịch phát triển

(PLVN) - Theo thống kê của Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, hiện nay Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 24 nước, với thời gian lưu trú vỏn vẹn 15 ngày. Con số này thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kinh nghiệm quốc tế

Nhìn sang các nước láng giềng thì Thái Lan miễn visa cho 57 nước, Indonesia miễn visa 168 nước, Philippines miễn visa 159 nước, con số này với Singapore và Malaysia là hơn 160 nước… Cùng với đó, số ngày lưu trú cũng lên tới 30 ngày.

Trong khi nhiều nước tạo điều kiện cho du khách được cấp thị thực tại cửa khẩu, cấp thị thực online, cấp thị thực tại các cơ quan đại diện tại nước ngoài…, thì tất cả những khâu này Việt Nam đều chưa được như mong muốn.

Theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty lữ hành Tiên Phong Travel, trong số 24 nước được miễn visa, số các nước phát triển được miễn visa còn rất ít, đặc biệt là khối thị trường châu Âu. Trong khi đó, lượng khách từ các nước này đến Việt Nam đang ngày càng nhiều.

Ông Khánh đề nghị, nếu chưa miễn visa ngay, thì cũng cần phải tạo ra sự thông thoáng hơn trong thủ tục. Theo ông Khánh, hiện Việt Nam cũng có hình thức visa cửa khẩu, nhưng bản chất mới là khách đến cửa khẩu để lấy visa, chứ không phải để làm visa.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet cho hay, nhiều nước trong khu vực đã đi trước chúng ta về cách sử dụng chính sách visa để thu hút khách. Như Indonesia, cách đây khoảng 3-4 năm, Indonesia có lượng khách tương tự Việt Nam là 10 triệu khách quốc tế và họ đã coi tháo gỡ visa là một cách chủ đạo để thu hút khách du lịch. Lập tức trong 3 năm họ đã miễn visa cho du khách gần 170 nước, kết quả là du lịch tăng trưởng 60-70% /năm.

 “Theo tôi, visa như tiền vé vào chợ, bây giờ chúng ta cứ muốn thu tiền vé vào chợ, nhưng lại không để ý thu hút khách vào chợ để bán được nhiều hàng. Nếu vẫn tư duy là thu tiền vào chợ thì người bán hàng trong chợ, chính là các công ty du lịch và các ngành nghề khác sẽ vắng khách. Du lịch có tính chất lan toả, khi có khách thì sẽ kéo khách đi mua sắm, sử dụng nhiều dịch vụ…” - Ông Đạt phân tích.

Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng nêu quan điểm, khi có điều kiện về thời gian, cũng như kinh phí để đi du lịch, du khách sẽ cân nhắc chọn vài điểm đến như: có thuận lợi khi ra vào đất nước đó không, có an toàn không, sản phẩm dịch vụ du lịch ra sao…

Tuy nhiên, điều đầu tiên mà du khách nghĩ tới chính là việc có dễ dàng vào du lịch không. Do đó, việc miễn visa cho nhiều nước càng tạo điều kiện cho du lịch phát triển, làm lượng khách đến đông hơn…

Sẽ mở rộng các nước miễn thị thực 

Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam nêu dẫn chứng trường hợp khách bay thẳng đến Việt Nam, họ có thể lấy visa ở cửa khẩu nhưng nếu phải đi một số nước khác hoặc đi nối chuyến thì du khách sẽ cân nhắc, chưa kể rất nhiều hãng hàng không khi khách xuất trình visa mới được cho lên máy bay.

Từ đó ông Phùng Quang Thắng lưu ý, chính sách thị thực tại cửa khẩu của chúng ta rất khác với chế độ thị thực tại cửa khẩu của các nước khác. Ở Việt Nam, khách phải gửi hồ sơ trước rồi mới được lấy thị thực tại cửa khẩu, còn ở các nước khác khách có thể làm trực tiếp visa tại cửa khẩu. 

Vẫn lời ông Thắng, cách tốt nhất nên để khách lấy visa tại cơ quan đại diện tại nước ngoài. “Câu chuyện ở đây là làm thế nào cải thiện tốc độ nhanh lên, đồng thời tạo thuận lợi là giải pháp để tăng cường sự quan tâm của khách đến điểm đến Việt Nam” - Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam đề nghị và cho rằng, một số thị trường có thể xem xét miễn visa du lịch như Australia, Canada… vì đây là những thị trường tiềm năng cần ưu tiên…

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm làm du lịch là phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách. Ông Đức cho biết, ngoài 24 nước, danh sách các nước miễn thị thực tới đây sẽ được kéo dài. Bên cạnh đó, còn có dịch vụ e-visa (thị thực điện tử) để du khách có thể chủ động xin nhập cảnh nhanh chóng.

“Đây là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm và chúng tôi cũng đang tiếp tục cùng các Bộ, ngành tháo gỡ. Điều quan trọng là ngành du lịch phải tìm được tiếng nói chung với các ngành liên quan trong việc thay đổi chính sách visa này, sao cho vừa thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch, nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia…” - ông Đức nói. 

Đọc thêm