Gỡ nút thắt vốn, công nghệ trong liên kết 6 'nhà'

(PLVN) - Vốn, công nghệ không thiếu song vẫn là điểm nghẽn trong mối liên kết 6 “nhà”.  Đó được coi là một trong những vấn đề mấu chốt để phát triển một nền nông nghiệp cả “3 cao” - năng suất cao, chất lượng cao, giá trị cao.
Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao đang là định hướng của ngành nông nghiệp.
Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao đang là định hướng của ngành nông nghiệp.

3 mấu chốt của nền nông nghiệp “3 cao”

Tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức mới đây, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, khẳng định, trong bối cảnh dịch Covid-19, nông nghiệp, nông thôn nước ta một lần nữa lại chứng tỏ là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, có đóng góp to lớn vào sự ổn định, hội nhập và phát triển…

Tuy nhiên, trước cơ hội hội nhập sâu rộng theo các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có CPTPP và EVFTA, thị trường được mở rộng, công nghệ thay đổi, cách quản trị, thể chế, pháp luật cũng thay đổi…, chúng ta phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện xuất phát điểm thấp và thiếu kết nối theo chuỗi giá trị. 

“Điều này đòi hỏi mỗi chủ hộ kinh tế, giám đốc Hợp tác xã và giám đốc doanh nghiệp phải được giải phóng bằng kiến thức không chỉ của nhà sản xuất mà hơn nữa là phải của nhà kinh doanh nông nghiệp tức là nhà kinh tế trí thức nông nghiệp, với cuộc chuyển đổi lớn về các yếu tố của năng lực khởi nghiệp sáng tạo và quản trị” - Chủ tịch Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Theo ông, để phát triển một nền nông nghiệp đạt được cả “3 cao”  theo hướng nông nghiệp y học và nông nghiệp sinh học theo yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn thân thiện với môi trường, cần thiết phải giải quyết 3 vấn đề: Vốn đầu tư; vai trò của nhà khoa học công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp và mối liên kết 6 “nhà”(nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học, nhà băng, nhà phân phối) trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản.

Vốn, công nghệ - không thiếu?

Theo bà Vũ Thị Minh - Chuyên gia kinh tế (Đại học Kinh tế Quốc dân), cùng với sự hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn để khai thác lợi thế địa phương, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp đã ngày càng được chú trọng hơn, từ đó tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, thực trạng ứng dụng KHCN trong nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. 

Ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi cho rằng, trong thế giới phẳng, tràn ngập thông tin, việc tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng, lai tạo, ghép giống… rất dễ dàng, thậm chí theo ông, đang bị “ngộ độc” vì quá nhiều thông tin. Nhưng thực tế cho thấy, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại không đơn giản với những nông dân “dám” khởi nghiệp. Bởi họ không biết nên học của ai, học từ đâu, trình độ có đủ để tiếp cận và học hỏi không.

“Vì vậy, vai trò định hướng của Nhà nước, nhà khoa học để KHCN phù hợp với trình độ chuyên môn và phù hợp với nhận thức, phù hợp với mô hình, loại hình nông nghiệp - nghĩa là phù hợp trong điều kiện thực tế sản xuất cho bà con nông dân rất quan trọng” - ông Cường nói.

Tại Diễn đàn nói trên, ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho hay, các ngân hàng thương mại đang dư thừa vốn cho vay và rất mong muốn tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng. 

Cũng theo đại diện Agribank, mặc dù Ngân hàng nhà nước đã ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc, quy chế thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng vẫn chưa cụ thể và còn nhiều bất cập khi thực hiện.

“Nhìn chung, ngành ngân hàng đối diện với việc cho vay tín chấp vẫn còn nhiều vướng mắc dù cơ chế chính sách đã mở. Agribank mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỷ dư nợ tín chấp” - ông Vượng khẳng định.

Trước câu hỏi của đại diện nông dân về việc làm thế nào để các tài sản đầu tư trên đất như nhà kính, nhà lồng... trở thành tài sản thế chấp vay vốn, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng nhà nước), cho biết, Nghị định 116 cho phép các doanh nghiệp, nông dân được sử dụng các tài sản đầu tư từ vốn vay thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, tài sản này phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của địa phương, từ đó làm đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn. “Đây cũng là vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực công nghệ cao...” - vị đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận.

Cần “bà đỡ” cho liên kết 6 “nhà”

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận xét, trong thời gian qua những kết nối trong liên kết 6 “nhà” còn mang nhiều tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ, kết nối cơ học là chính, nên hiệu quả còn thấp và chưa rõ rệt. 

Vị này cũng cho rằng, mấu chốt thành công của liên kết 6 “nhà” nhất thiết phải có những “bà đỡ”. Đó là vai trò hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương đối với các DN. “Bà đỡ” phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường.

Đọc thêm