Gỡ rào cản cho lĩnh vực sáng tạo nội dung số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Kiếm tiền nhanh trên các nền tảng xuyên biên giới, thị trường sáng tạo nội dung số đang mở ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt rào cản thuế cần được tháo gỡ để các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực còn rất mới mẻ này bứt phá.
Rất nhiều cá nhân, DN quan tâm đến lĩnh vực MMO.
Rất nhiều cá nhân, DN quan tâm đến lĩnh vực MMO.

Nhiều tiềm năng

Tại Hội thảo “Khai thác thị trường quốc tế và Chính sách thuế đối với lĩnh vực sáng tạo nội dung số” diễn ra hôm qua (31/3), ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, lĩnh vực sáng tạo nội dung số (MMO) đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và có doanh thu khoảng 800 triệu USD vào năm 2022. Dù nhiều dư địa, nội dung số chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của ngành công nghệ TT&TT (khoảng 148 tỷ USD năm 2022). Theo ông Nghĩa, đây sẽ là điều thôi thúc những nhà sáng tạo phát triển hơn nữa, nhằm tận dụng tối đa lợi thế của Việt Nam là chi phí sản xuất thấp hơn so với trung bình thế giới hàng chục lần.

Thực tế cho thấy, MMO ngày càng thu hút một lực lượng lao động trình độ cao trên toàn cầu tham gia và tạo ra một lượng doanh thu lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Ở Việt Nam ước tính cũng có lực lượng hàng triệu lao động tham gia vào lĩnh vực này, hàng năm mang về một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước.

Chỉ tính riêng trên YouTube, số liệu trong năm 2022 cho biết số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội lên tới 20 nghìn người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký và 8 kênh đạt nút kim cương với trên 10 triệu lượt đăng ký).

Cần chính sách ưu đãi về thuế

Tại Hội thảo, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT đã chia sẻ nhiều chương trình đầu tư nước ngoài hấp dẫn, là cầu nối quý giá đưa những sản phẩm nội dung “Make in Vietnam” vươn ra thị trường quốc tế nhiều hơn nữa.

Theo Vụ trưởng Triệu Minh Long, trong bối cảnh cạnh tranh trong nước đang rất "khốc liệt", các cá nhân, DN hoạt động trong lĩnh vực nội dung số có thể chuyển hướng kinh doanh sang nước ngoài, hoặc các nền tảng xuyên biên giới. “Nhờ lợi thế ở khả năng đáp ứng nhanh, nhạy, DN Việt Nam đủ sức đưa những sản phẩm nội dung “Made in Vietnam” ra quốc tế nhiều hơn…”, ông Long nhận định.

Nhìn nhận những rào cản đối với lĩnh vực MMO, PGS.TS Lý Phương Duyên, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, một số cá nhân, DN trong lĩnh vực MMO còn gặp khó khăn trong việc kê khai, hạch toán chi phí, dẫn đến không được hưởng những ưu đãi về thuế.

Đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông cho rằng, bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, cơ quan quản lý cần có những chính sách ưu đãi về thuế, cả thuế thu nhập cá nhân lẫn thuế thu nhập DN, để duy trì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, cũng như giữ chân các chuyên gia.

Đặc biệt, vấn đề được nhiều ý kiến đề cập đến là “thuế chồng thuế” trong lĩnh vực MMO. Theo chính sách của YouTube, các nhà sáng tạo nội dung ở ngoài Hoa Kỳ, nếu đăng ký thuế tại nước này, sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Hoa Kỳ. Lượt xem từ quốc gia khác sẽ không bị khấu trừ thuế. Nếu không đăng ký thuế tại Hoa Kỳ, nhà sáng tạo nội dung từ các quốc gia ngoài Hoa Kỳ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu.

Khi dòng tiền về Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7% (gồm 5% Thuế VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân). Còn tổ chức, DN kinh doanh trên YouTube phải đóng khoản thuế là 30% (gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập DN).

Theo ông Nguyễn Việt Tiệp, chuyên viên cao cấp về kế toán thuế, đại diện Liên minh Sáng tạo Nội dung số (DCCA), các DN, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu 2 lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Hoa Kỳ.

Được biết, từ năm 1992, Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 60 hiệp định đã có hiệu lực áp dụng. Với Hoa Kỳ, Việt Nam đã ký hiệp định từ năm 2015 nhưng do Chính phủ Hoa Kỳ chưa phê chuẩn nên Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có hiệu lực thi hành. "Việc sớm thực thi hiệp định là bước đi quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng về thuế lên vai những nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam" - Đại diện DCCA đề nghị.

Đọc thêm