Gỡ rào cản pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp thời đại 4.0

(PLO) - Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới và tác động ngày càng mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp là số vốn đầu tư ban đầu có thể không lớn nhưng lợi nhuận thu về cao thì các doanh nghiệp này cũng phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý.
Ảnh minh họa

Một trong những rào cản đặt ra đối với doanh nghiệp khởi nghiệp là vấn đề huy động vốn. Đặc điểm của chủ thể khởi nghiệp uy tín chưa cao nên khó trong việc huy động nguồn vốn, do đó trong giai đoạn đầu thường huy động vốn thân tín từ gia đình, người quen.

Giá trị của tài sản bảo đảm không đủ để đảm bảo cho các khoản vay lớn, các kênh về huy động và hỗ trợ tài chính chưa được biết đến rộng rãi cũng là các khó khăn doanh nghiệp khởi nghiệp phải đối mặt. Không những vậy, pháp luật hiện cũng chưa có cơ chế hỗ trợ đặc thù về vay tín dụng đối với các chủ thể khởi nghiệp và nhà đầu tư khởi nghiệp. 

Hiện nay, tuy đã có quy định về thuế hỗ trợ khởi nghiệp nhưng doanh nghiệp lại không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hưởng thuế hỗ trợ nên quy định này không được thực thi. Ngoài ra, trong thời kỳ Cách mạng 4.0, các doanh nghiệp còn gặp các rào cản về khoa học công nghệ như vấn đề sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về lao động như hợp đồng lao động, tiền lương, thưởng, kỷ luật, bảo hiểm, chất lượng lao động. Cùng với đó là các vấn đề pháp lý khác như hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động doanh nghiệp, pháp luật về tiếp cận thông tin…

Là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam. Việc nhận thức đúng bản chất, đặc trưng, chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tránh tụt hậu và có điều kiện vươn lên.

Theo đó, nước ta cần tập trung xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ chủ chốt, nắm bắt xu thế phát triển của khoa học và công nghệ và tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác.

Đặc biệt, nước ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để có thể cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và phát triển được các công nghệ sản xuất mới.

Các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như lấy doanh nghiệp làm trung tâm, có cơ chế tài chính thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có chính sách thiết thực để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Một giải pháp quan trọng khác phải kể đến là tạo sự bứt phá về công nghệ thông tin. Theo đó, cần tập trung thúc đẩy và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển, kinh doanh công nghệ mới, các doanh nghiệp viễn thông chú trọng hoàn thiện mạng để cung cấp dịch vụ ổn định trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng, tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghệ thông tin then chốt trong Cách mạng 4.0. Ngoài ra, nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng cần được ưu tiên chú trọng phát triển, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và hiệu quả.

Đọc thêm