Vừa muốn, vừa sợ
“Cộng đồng doanh nghiệp nhìn chung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Làm kinh doanh ở Việt Nam rất khó, như người tham gia giao thông phải lạng lách, gặp nhiều rủi ro, làm đúng chưa chắc đã an toàn.
Do vậy, nếu doanh nghiệp được báo chí ủng hộ, sẽ có thêm nhiều tâm huyết để hoạt động. Nhưng nhiều doanh nghiệp cũng sợ gặp báo chí vì sợ mời quảng cáo, sợ bị lộ thông tin. Chúng tôi cũng có tâm lý mong muốn nếu báo chí làm sai thì phải dám chịu trách nhiệm, cá nhân những nhà báo làm sai cũng phải chịu trách nhiệm…”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ.
Theo ông Đoàn, quy hoạch báo chí làm sao để có những tờ báo chuyên sâu, phóng viên đầu tư công sức, thời gian để có bài viết chất lượng, tránh những bài báo chung chung, trùng lặp nhau. Cũng chính vì tâm lý trên, cách đây 20 năm, khi quyết định tham gia đội ngũ doanh nhân, bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty Việt Xưa đã quyết định đi đường vòng bằng cách giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài. Sau đó doanh nghiệp này quay về thị trường trong nước, nhưng vấn đề lớn nhất doanh nghiệp gặp phải chính là truyền thông.
“Chúng tôi tự truyền thông thì không có kỹ năng. báo chí truyền thông cho doanh nghiệp thì bị mang tiếng quảng cáo, viết hay, viết tốt thì bị nghĩ ăn tiền của doanh nghiệp. Hai bên ngại nhau, ngại bị mang tiếng đổ tiền ra để làm hình ảnh, cuối cùng ảnh hưởng đến người dân vì không biết đâu là sản phẩm tốt” - bà Giang trăn trở và đề nghị: “báo chí hãy giúp doanh nghiệp làm truyền thông đúng nghĩa. Hai bên hãy cố gắng hiểu cho nhau”.
Nhìn nhận ở góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh lại cho rằng mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp “không có gì ghê gớm”, bởi mỗi nghề có một thiên chức riêng, nên cần có sự hợp tác để cùng phát triển.
Khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc góp phần cải cách thể chế, những vụ việc tưởng như đơn lẻ, không quan trọng như trường hợp của chủ quán cà phê “Xin chào” tại TP HCM, nhưng qua phản ánh của báo chí mới nhận ra đó là vấn đề lớn..., song Chủ tịch VCCI, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cũng thừa nhận sự chưa hiểu, chưa thông cảm giữa một số cơ quan báo chí và doanh nghiệp.
Đừng làm nhụt ý chí doanh nhân
Hội thảo “nóng” lên khi ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá phát biểu, dẫn chứng một số trường hợp “không biết tốt xấu như thế nào nhưng một số báo ào vào làm”. “Những việc làm này làm nhụt ý chí của doanh nhân. Cơ quan điều tra chưa làm rõ thì báo chí hết sức bình tĩnh. báo chí cần phản biện trên tinh thần xây dựng, phải chịu trách nhiệm chứ không đưa những thông tin không đúng ảnh hưởng đến doanh nghiệp, làm nhụt chí doanh nghiệp…”, ông Đệ đề nghị.
“Doanh nghiệp chúng tôi rất cần báo chí tuyên truyền những gương tốt, mô hình hay nhưng phải công minh, công bằng, ai tốt thì nêu gương, ai xấu phải “bêu tên”. Tôi cho rằng một số phóng viên, cộng tác viên, trong quá trình tác nghiệp có nhiều vấn đề, bị phản ánh “hình như các phóng viên này đi đánh thuê”. Một số phóng viên phản ánh không đầy đủ làm mất đi những cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Đề nghị các báo cần đưa các tiêu chí xây dựng văn hoá phóng viên, văn minh nhà báo….”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Mạnh Thân kiến nghị.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty CP May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương có cùng nhận định: “Chúng tôi vẫn thường nói với nhau là báo chí làm gì có lợi cho doanh nghiệp thì phải biết ơn”. Ông Dương nhắc lại thành ngữ “Lời nói gói vàng” nhưng cũng nhấn mạnh “Lời nói đọi máu”, với mong muốn báo chí cần cân nhắc khi viết về doanh nghiệp, bởi đằng sau doanh nghiệp là hàng ngàn, hàng vạn người lao động.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, mới đây lần đầu tiên Chính phủ đưa ra yêu cầu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt mục tiêu đó. “Các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí , nếu có gì khẩn cấp, hãy liên hệ với chúng tôi”, ông Lộc nói.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu “gỡ rối” quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp: doanh nghiệp cần báo chí để thông tin, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; báo chí cần doanh nghiệp bởi đây là nguồn đề tài. “Đây là mối quan hệ đồng hành. báo chí và doanh nghiệp cần hướng tới sự chuyên nghiệp để chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau vì sự phát triển của đất nước…”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.