Vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2017 cả nước đã xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. Trong đó tai nạn giao thông (TNGT) từ ít nghiêm trọng trở lên xảy ra 9.770 vụ, làm chết 8.279 người, bị thương 5.587 người. Đáng nói, có đến 80% vụ tai nạn xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Hàng ngàn vụ vi phạm giao thông với các lỗi thường gặp như không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vuợt đèn đỏ, chạy xe quá tốc độ, lưu thông trên đường khi trong người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.
Biểu hiện dễ thấy nhất của việc thiếu ý thức khi tham gia giao thông đó là tình trạng lấn làn. Tình trạng này dễ dàng thấy được tại một số tuyến đường như: Phạm Hùng, Chùa Bộc, Giải Phóng, Nguyễn Khoái… Ở những cung đường này, vào giờ cao điểm, tình trạng xe ô tô đi lấn làn xe máy và ngược lại diễn ra khá phổ biến.
Nhắc đến chuyện này, chị Nguyễn Thu Hương, người dân sinh sống tại khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội bức xúc: “Khi có cảnh sát giao thông (CSGT) đứng thì may ra người tham gia giao thông còn chấp hành luật, còn không có CSGT là nhiều chạy vượt đèn đỏ, chen lấn sang làn đường khác... Chính vì ý thức người tham gia giao thông không cao như thế nên đã gây tắc đường kéo dài”.
Theo ghi nhận thực tế, việc các phương tiện lấn làn thường xuất hiện vào giờ cao điểm, điều này cũng ít nhiều gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Nói cách khác, trong thời điểm, nếu lực lượng chức năng tiến hành dừng xe, xử lý vi phạm thì cả tuyến đường sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc.
Ý thức người dân là quan trọng
Theo các chuyên gia, tai nạn giao thông thường xuất phát từ 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do ý thức của người tham gia giao thông kém. Thứ hai, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Như vậy, để giảm thiểu TNGT thì mọi giải pháp đều phải xuất phát từ việc giải quyết hai vấn đề này.
Trong khi chờ đợi hạ tầng giao thông dần đi vào đồng bộ, suy cho cùng giải pháp thiết yếu trước mắt vẫn là nâng cao nhận thức của người dân. Nhận thức của người dân có thể được thể hiện qua việc nắm các nội dung của Luật Giao thông. Khi nắm vững luật, người tham gia giao thông sẽ hiểu, từ đó sẽ hạn chế các vi phạm như: đi ngược chiều, không chấp hành hệ thống biển báo giao thông…
Để từng bước nâng cao ý thức giao thông, bản thân mỗi người cần có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mình và của những người tham gia giao thông khác, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng. Trường học là nơi tốt nhất để tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT), nhất là bậc mầm non và tiểu học. Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông cũng cần xuất phát từ mỗi gia đình, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần chú trọng sự gương mẫu để con em học tập, làm theo.
Ý thức người dân khi tham gia giao thông còn được thể hiện qua những thông tin phản ánh từ người dân tới cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, không ít vụ việc được sáng tỏ nhờ vào chính người tham gia giao thông thông qua việc quan sát và phối hợp thông tin tới cơ quan chức năng. Minh chứng dễ thấy nhất là những vụ việc đi ngược chiều trên đường vành đai 3 trên cao, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, chở hàng quá khổ…
Chia sẻ điều này với báo chí, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, những phản ánh từ người dân chính là một kênh thông tin hiệu quả và kịp thời giúp việc giám sát và thực thi pháp luật về ATGT đạt được hiệu quả cao. “Để nâng cao hiệu quả thông tin phản ánh của người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng chức năng, từ phía người dân cần chủ động nâng cao kiến thức về pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự ATGT nói riêng. Từ chỗ có nhận thức đúng thì việc phản ánh mới chuẩn xác. Thêm vào đó là việc cần tuyên truyền về văn hóa cho người tham gia giao thông để tránh các hành vi không đúng khi thông tin, phản ánh các vấn đề về giao thông” – ông Tạo nhấn mạnh.