Có thể nói từ năm 2016 về trước, trong hàng chục năm do hoạt động của các lực lượng giữ gìn trật tự thiếu kiên quyết, nặng tính phong trào, xốc nổi nên vỉa hè, lòng đường các đô thị khắp cả nước bị giày xéo đến mức hỗn loạn, nhất là ban đêm người đi bộ phải xuống lòng đường để di chuyển, vỉa hè biến thành tụ ổ của biết bao tệ nạn xã hội, như nhậu nhẹt be bét, ấu đả loạn xạ, xì ke ma túy, cướp của giết người, xả rác, phóng uế bừa bãi, đáng buồn là đa phần rơi vào tuổi trẻ. Và năm qua, quận 1, TP HCM cùng tất cả các phường đã đột phá tình trạng bế tắc trên bằng cuộc ra quân đầy khí thế nhằm lập lại trật tự lòng lề đường. Như một tác động dây chuyền, quận 3 đã tiếp sức và từ đó phong trào lan tỏa ra 24 quận huyện, phường xã của TP HCM, rồi đến Thủ đô Hà Nội và các đô thị khác trong cả nước. Hàng ngàn trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè bị xử lý, trả lại lối đi cho người đi bộ.
Nỗ lực không ngừng trước bất cập
Điều nổi bật là trong 40 năm qua, năm 2017 là năm đầu tiên việc lập lại trật tự vỉa hè diễn ra liên tục suốt gần 12 tháng liền, cùng với nhiều giải pháp nhằm giảm nạn ùn tắc giao thông. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thanh Phong có hướng chỉ đạo rất sát sao: “Trong việc lập lại trật tự vỉa hè phải xử sự đúng mực với những người buôn bán nhỏ, hàng rong vì mưu sinh trong khi chính quyền ta chưa có đủ điều kiện để sắp xếp chỗ ổn định cho họ. Kể cả việc lập lại trật tự giao thông cũng cần phải có sự đồng thuận của nhân dân”.
Nhiều địa phương đã vận dụng tốt nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ” với việc phát huy vai trò vận động, giám sát, phản biện của Mặt trận. Phường 7, quận 3 là một trong những phường nỗ lực thực hiện cơ chế ấy.
Căn cứ Chỉ thị 10 của Ban Bí thư TƯ Đảng, nghị quyết của Quận ủy quận 3, Đảng ủy phường 7 ra nghị quyết về lập lại trật tự lòng lề đường; UBND phường 7 có quyết định hình thành 8 tổ công tác duy trì trật tự đô thị, mỗi tổ có 9 người (tất cả là 72 người). UBMT phường 7 đã phân công 48 thành viên tham gia các tổ công tác trên 18 tuyến đường.
Mỗi tổ công tác phụ trách 1 tuyến đường suốt cả năm. Riêng tổ công tác 5 phụ trách tuyến đường Tú Xương, gồm phần lớn là cán bộ Mặt trận, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên. Mục đích chính là dành chỗ đi cho người đi bộ trên vỉa hè. Phương châm chính là vận động, thuyết phục; thái độ kiên trì, không nản chí; xem họ là người chủ.
Do đó, từ chỗ người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, xả rác bừa bãi, khách hàng để xe gắn máy, xe ô tô mất trật tự, họ trở thành người buôn bán sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, người để xe có trật tự. Cá biệt người buôn bán, khách hàng phản ứng có khi gay gắt, nhưng tổ công tác vẫn giữ thái độ, bình tĩnh, kiên trì giải thích, từ đó người buôn bán nhận thức rõ quyền lợi là buôn bán nhưng nghĩa vụ là phải dành lối đi cho người đi bộ. Đây là mô hình hình thành từ thực tế cuộc sống, cần được hoàn chỉnh và từng bước nhân ra diện rộng.
Những kết quả năm 2017 cần phải tiếp tục phát huy trong năm 2018. Việc lập lại trật tự vỉa hè không chỉ là vấn đề xã hội mà còn mang tính chất chính trị, kinh tế, văn hóa đòi hỏi mất nhiều thời gian. Thành quả đạt được trong một năm qua tuy chưa phải là lớn so với yêu cầu, nhưng nó có ý nghĩa sâu sắc. Đó là tiền đề, là động lực để chính quyền cùng nhân dân nỗ lực hơn nữa để xây dựng thành phố mang tên Bác Hồ thật sự văn minh, dân chủ, công bằng, hạnh phúc đi đôi với việc lập lại trật tự, an ninh an toàn xã hội trong đó việc lập lại trật tự lòng lề đường và an toàn giao thông là hết sức quan trọng.
Nay TP HCM được thí điểm cơ chế đặc thù, phát triển vì cả nước, cùng cả nước, thành phố phải có bước đi thận trọng. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhắc nhở mọi vấn đề phải dựa vào quy hoạch tổng thể, kế hoạch cụ thể; qua thực tiễn cần rút ra bài học sâu sắc, kịp thời căn cứ Nghị quyết TƯ 4, NQ TƯ 6 Đại hội XII của Đảng. Điều quan trọng là bên cạnh mặt được, còn rất nhiều tồn tại phải dũng cảm nhìn cho thấu và ra sức khắc phục cho kỳ được.
Dù hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm dân là chủ như Bác Hồ đã dạy: “Dân vận kém việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Do vậy, chính quyền phải nghiêm túc xem xét trong thời gian dài đã thực hiện quy hoạch phát triển đô thị ra sao? Có như vậy mới có cơ sở vững chắc để trật tự vỉa hè được quản lý theo đúng nghĩa.
Đường đi Nguyễn Huệ từ “phố đông giao thông” chuyển sang “phố đi bộ” quản lý như thế nào để vừa hiệu quả, giữ gìn văn minh đô thị với việc phải xóa bỏ hình ảnh nhiều hàng rong đủ loại, xả rác bừa bãi không sao khắc phục, những ban ca nhạc gây tiếng ồn suốt cả tuần làm phiền hà nhân dân cũng là một vấn đề đang đặt ra.
Phố đi bộ là để thưởng thức ẩm thực, mua sắm, giải trí lành mạnh. Phố đi bộ Bùi Viện là phố bia rượu, có cần mở rộng phố đi bộ này hay không cũng là câu hỏi không ít người đang suy nghĩ. Đô thị lớn TP HCM trên tuyến đường đô thị có đến 10 quy hoạch khác nhau như cây xanh đô thị, viễn thông, cấp nước sạch, thoát nước thải, viễn thông, truyền tải điện.
Và cảnh tượng hôm nay ngành điện đào đường để ngầm hóa đường dây điện, ngày mai ngành viễn thông lại đào lên để ngầm hóa “mạng nhện” v.v... từ lâu vẫn luôn là căn bệnh khó chữa gây áp lực đối với sinh hoạt của người dân.
Những di sản văn hóa vô giá như chợ Bến Thành, Trường Tôn Thọ Tường (nay là Trường Tenlơman – biểu tượng của toàn dân giương cao ngọn cờ chống can thiệp Mỹ (19/3/1950) suýt bị đập phá, nhường chỗ cho những công trình kinh doanh tầm cỡ. 5, 7 nhà cao tầng vây quanh trụ sở UBND TP HCM, Metro nằm giữa trung tâm TP HCM đội vốn lên 800 triệu USD chưa biết lúc nào mới xây dựng tiếp. Tất cả bắt nguồn từ công tác quy hoạch chất chứa quá nhiều bất cập, góp phần gây ùn tắc giao thông ngày càng nặng nề và triền miên.
Từ hàng trăm năm nay, những vật cảnh bó vỉa hè bằng đá cao 30cm để tạo an toàn cho người đi bộ và ngăn cản các loại xe leo lên vỉa hè trên toàn thành phố lại bị đập phá, thay vào đó là vật cảnh xi măng có độ nghiêng tạo điều kiện để các loại xe leo lên vỉa hè, đe dọa sinh mạng người đi bộ. Trong khi ta tiếp tục sản xuất xe gắn máy tại chỗ và nhập khẩu xe gắn máy với tổng số xe gắn máy hiện nay ở TP HCM lên đến 8 triệu chiếc, vô tình chính chính quyền ta góp phần làm cho giao thông tắc nghẽn. Bất cập này kéo theo bất cập khác với hậu quả không nhỏ. Nhờ việc quận 1 gần đây cấm 48 bãi xe gắn máy hoạt động đã giúp cho thấy việc thu phí có vấn đề: từ chính quyền phường đến Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ v.v... ở phường đều có bãi để xe có thu phí nhưng tiền lại không vào túi Nhà nước – một thứ đặc quyền, đặc lợi đáng trách, không công khai, minh bạch.
Quản lý phải bảo đảm quyền làm chủ của dân
Tháng 10/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch nhưng như cần đưa luật vào cuộc sống với việc quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng v.v... đi đúng hướng. Là nước chậm phát triển, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm các nước trên thế giới, có chọn lọc và cần vận dụng sao cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
TP HCM là một trong những đầu tàu của cả nước cần đi đầu trong việc học hỏi thực chất, đặc biệt việc sắp xếp trật tự lòng lề đường, khai thác kinh tế vỉa hè sao cho hài hòa với quyền sử dụng vỉa hè của người đi bộ, chú ý người cao tuổi và người khuyết tật theo quy hoạch, ưu tiên lợi ích cộng đồng. Các nước phát triển như Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore đã quy hoạch đô thị hàng nửa thế kỷ về trước và phải mất hàng chục năm để biến quy hoạch thành hiện thực.
Tại Tokyo, hầu hết người buôn bán được đưa vào khuôn viên nhà. Lề đường chỉ dành cho người đi bộ được bao bọc bằng hàng rào, ngăn cản các loại xe không leo lên vỉa hè được. Từng khu vực có bãi để xe các loại. Tại Paris, vỉa hè không rộng dành cho người đi bộ, dân tự giác không leo lên vỉa hè, ngược lại lòng đường rất rộng, có nhiều làn dành cho xe ô tô, xe gắn máy.
Ở các nước phát triển này đều có métro ngầm, đường riêng cho xe buýt, khu phố đi bộ dành cho người đi bộ suốt cả năm, chủ yếu để mua hàng, thưởng thức ẩm thực, thưởng thức ca nhạc. Còn khu phố đi bộ Nguyễn Huệ trống rỗng phải vượt qua 2 đường để có thể mua sắm rất bất tiện.
Thời gian trước mắt, phải bám mục tiêu chính là dành chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè, bề rộng vỉa hè tối thiểu là 1 mét 50, có gạch lằn hẳn hoi và khôi phục lại các vật cảnh bó vỉa hè cao 30cm đã có từ hàng trăm năm nay để bảo đảm an toàn. Với vật cảnh nghiêng như hiện nay, người đi bộ dễ trượt ngã gây tai nạn. Về lâu dài, để hạn chế xe gắn máy (hiện có 8 triệu chiếc) lưu thông, chính quyền TP HCM cần có kế hoạch dài hạn từng bước ngừng việc sản xuất trong nước và nhập khẩu xe gắn máy từ nước ngoài. Song song đó tạo nhiều đường giao thông các loại.
Thiết nghĩ, bài học về vận động người dân giữ gìn trật tự vỉa hè một cách bền vững, lâu dài, cần phát huy mô hình “tổ công tác duy trì trật tự đô thị” của từng phường, từng khu phố, trên từng tuyến đường. Cần biểu dương những tổ đội, cả những người buôn bán nhỏ chấp hành tốt trật tự vỉa hè và luật giao thông trong thời gian qua. Đồng thời tạo điều kiện để Ban Công tác Mặt trận (CTMT) các khu phố và các tổ CTMT ở địa bàn tổ dân phố giáo dục các thành viên trong mỗi gia đình học những điểm cơ bản của luật giao thông để thực hiện tốt tiêu chí 4 của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động về trật tự an toàn lòng lề đường và giao thông.