Thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc xén dải phân cách mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân).
Theo đó, dải phân cách giữa trên đường Khuất Duy Tiến, đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Trãi đến nút giao đường Trần Duy Hưng (gần 2 km), sẽ được thu hẹp từ 1 - 5 m; đảm bảo bề rộng mặt đường mỗi chiều từ 12 - 20 m; tổng mức đầu tư dự kiến trên 12 tỷ đồng lấy từ ngân sách thành phố; thời gian thực hiện trong năm 2018.
Đường vành đai 3 thường xuyên bị ùn tắc, một số phương tiện đi trên dải phân cách giữa. Ảnh:Bá Đô. |
Lãnh đạo Sở Giao thông cho hay, tuyến đường Vành đai 3 hiện là một trong những trục đường huyết mạch của Hà Nội, đi qua địa bàn các quận, huyện: Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm.
Tuyến vành đai 3 có lưu lượng phương tiện rất lớn, áp lực giao thông ngày càng tăng, thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm. Do đó, Sở Giao thông đã đề xuất thành phố thực hiện nhiều biện pháp giảm ùn tắc, trong đó có xén dải phân cách giữa, mở rộng lòng đường Vành đai 3 dưới thấp.
Việc xén đường được chia thành 3 đoạn: Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Vành đai 3 đoạn từ Cầu Dậu đến nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến; Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Vành đai 3 đoạn từ nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đến nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng và Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Vành đai 3 đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đến nút giao Mai Dịch.
Cuối năm 2017, TP Hà Nội đã tổ chức xén thảm cỏ dải phân cách giữa đường Nguyễn Chí Thanh - con đường từng đoạt giải Đường đẹp nhất Việt Nam năm 2011, để mở rộng đường, chống ùn tắc giao thông. Sở Giao thông thành phố cho rằng, việc xén đường Nguyễn Chí Thanh là giai đoạn tiếp theo nhằm khớp nối đồng bộ hạ tầng với tuyến đường Trần Duy Hưng (đã được xén dải phân cách vào năm 2016) và hầm chui Trung Hoà./.