Huy động hàng nghìn máy móc và nhân lực
Theo Ban Quản lý dự án 2 (PMU2, Bộ GTVT), chủ đầu tư dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, gồm ba gói thầu xây lắp. Riêng các gói thầu xây lắp này có giá trị lên đến hơn 14.400 tỷ đồng. Dự án dài 88km, đi qua hai tỉnh Quảng Ngãi (60,3km) và Bình Định (27,7km).
Dự án được khởi công vào tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2026. Khối lượng phải hoàn thành của dự án là vô cùng lớn. Cụ thể, ngoài thi công tuyến chính, dự án thi công 6 nút giao liên thông; xây 13 cầu trên các tuyến đường của địa phương vượt qua đường cao tốc; xây 64 cầu trên tuyến chính; đào ba hầm trên tuyến chính, tổng chiều dài khoảng 1,7km.
Theo lãnh đạo PMU2, tổng khối lượng của dự án là rất lớn nên ngay sau khi khởi công, chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu huy động máy móc, nhân lực “bắt tay” ngay vào việc.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị đứng đầu liên danh nhà thầu các gói thầu xây lắp), hiện nay tại ba gói thầu xây lắp, công trường luôn trong trạng thái nhộn nhịp. Tại gói thầu xây lắp số 1, các nhà thầu đã huy động tổng cộng 11/11 mũi thi công với 356 máy móc, thiết bị và 856 nhân sự, trong đó 71 kỹ sư, 429 công nhân, 356 lái máy. Đến giữa tháng 11/2023, tổng giá trị khối lượng gói thầu xây lắp số 1 đã hoàn thành được khoảng 468/3.682 tỷ đồng.
Với gói thầu xây lắp số 2, đã huy động 18/18 mũi thi công với 309 máy móc, thiết bị cùng khoảng 1.050 nhân sự. Giá trị sản lượng đến giữa tháng 11/2023, gói thầu đã thực hiện được khoảng hơn 493/4.129 tỷ đồng. Còn gói thầu xây dựng số 3 đa huy động 15/16 mũi thi công với tổng số máy móc, thiết bị là 383 cùng với hơn 1.000 nhân sự. Giá trị sản lượng đến giữa tháng 11/2023 đạt khoảng hơn 400/6.686 tỷ đồng.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay, hiện các nhà thầu đang tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các gói thầu của dự án. Tuy nhiên, công tác mặt bằng, mỏ vật liệu vẫn đang có chút vướng mắc. Cụ thể, tại tỉnh Quảng Ngãi, nhà thầu lập hồ sơ xin cấp phép 9 mỏ đất với tổng công suất khoảng 6,4 triệu m3. Đến giữa tháng 11/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép khai thác 4 mỏ với tổng công suất 4 triệu m3; 5 mỏ đang thực hiện các thủ tục xin cấp Bản xác nhận khối lượng theo hướng dẫn mới của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Nhu cầu đất đắp còn thiếu, hiện nhà thầu đang trình bổ sung 3 mỏ đất vào quy hoạch (Núi Cấm Ông Thi, Núi Đá Kè, Núi Thị 4) với trữ lượng 1,12 triệu m3.
Với mỏ cát, nhà thầu đang lập hồ sơ cấp phép đối với 4 mỏ tổng trữ lượng khoảng 0,34 triệu m3. Khối lượng thiếu còn lại, nhà thầu đã xin bổ sung sử dụng 2 mỏ thương mại. Với mỏ đá, nhà thầu sử dụng đá tận dụng từ đào hầm và các mỏ thương mại.
Phối hợp với địa phương gỡ các “điểm nghẽn”
Về giải phóng mặt bằng (GPMB), theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, đến giữa tháng 11/2023, gói thầu xây lắp số 1 đã bàn giao mặt bằng chính tuyến 25,5/30km (đạt 84,8 %), gói thầu xây lắp số 2 đã bàn giao được 24,8/27,2km (đạt 87,8%), gói thầu xây lắp số 3 được 30,2/30,8km (đạt 98%).
Nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của dự án, mới đây, PMU2, đại diện nhà thầu và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc. Tại đây, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương đang quyết tâm hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi trước ngày 31/12/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Để hoàn thành công việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các địa phương phê duyệt tất cả các phương án bồi thường trước ngày 15/12/2023; hỗ trợ, bố trí tái định cư và chi trả tiền đền bù bảo đảm quyền lợi ích của người dân; khẩn trương phê duyệt giá đất tái định cư theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi phối hợp với các huyện, PMU2 và nhà thầu thi công kịp thời giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB và quá trình thi công.
Theo PMU2, tính đến cuối tháng 11/2023, công tác bồi thường, GPMB dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua địa bàn tỉnh này đạt khoảng 95,1% (tổng diện tích 494ha). Tuy vậy, phần diện tích mặt bằng sạch bàn giao mà nhà thầu có thể thi công chỉ khoảng 53,5km tổng chiều dài tuyến. Dù đã hơn một năm kể từ khi triển khai công tác bồi thường, GPMB, song đến nay trong tổng số 19 xã, phường, thị trấn chỉ mới có 5 địa phương hoàn thành 100% công tác mặt bằng. 14 đơn vị cấp xã còn lại vẫn chưa thể giải phóng dứt điểm, đa phần mặt bằng chưa thu hồi được thuộc trường hợp phải di dời tái định cư.