Có điều, xuất phát từ thực tiễn địa phương gặp một số khó khăn trong rà soát, lập danh sách, hồ sơ trẻ nên nhiều ý kiến đề nghị phải có giải pháp tháo gỡ, góp phần tăng cường hiệu quả công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ.
Thông qua việc rà soát, lập danh sách và hồ sơ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần tìm gia đình thay thế ở cộng đồng và tại các cơ sở nuôi dưỡng, cán bộ xã hội tại UBND cấp xã và cán bộ cơ sở nuôi dưỡng nắm được số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp tìm gia đình phù hợp nhận trẻ làm con nuôi.
Nếu như trước đây những trẻ em không có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước do bị mắc một số bệnh không được quy định trong Luật NCN và Nghị định số 19/2001/NĐ-CP vẫn phải tiếp tục sống tại cơ sở nuôi dưỡng, thì đến nay đã tìm được gia đình thay thế cho trẻ. Hoặc đối với những trẻ trên 5 tuổi dù không có người trong nước nhận nuôi nhưng vẫn phải đăng tin tìm gia đình trong nước ở địa phương và trung ương với tổng thời gian là 4 tháng, thì hiện nay đã rút ngắn được khoảng thời gian này khi được đưa vào danh sách cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội đã chia sẻ một số khó khăn từ thực tiễn triển khai của địa phương trong khi rà soát, lập danh sách, hồ sơ trẻ cần tìm gia đình thay thế. Cụ thể, việc kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi lập danh sách trẻ sẽ thuộc Danh sách 1 hay Danh sách 2 đang gặp không ít vướng mắc vì cần có chi phí khám bệnh chuyên sâu. Đối với trẻ đang trong độ tuổi phát triển, tâm lý không ổn định, khi được hỏi có thể đồng ý tìm gia đình thay thế song lại thay đổi nên cán bộ cơ sở nuôi dưỡng phải có thời gian mới tư vấn được cũng như phải đợi các cháu suy nghĩ quyết định…
Vì vậy, vị này đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp như để tạo điều kiện cho trẻ em có nhu cầu làm con nuôi, cần bổ sung danh sách các cơ sở nuôi dưỡng được chỉ định tham gia giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập. Với quy định phải ưu tiên tìm gia đình trong nước nhận trẻ, cần thông báo việc tìm gia đình thay thế trong nước sao cho người dân dễ tiếp cận hơn.
Nêu nội dung sửa khoản 2 Điều 6 Nghị định 19 liên quan đến rà soát, lập danh sách, hồ sơ trẻ, Trưởng phòng Hộ tịch – Quốc tịch (Sở Tư pháp TP HCM) Nguyễn Triều Lưu đề nghị cân nhắc thêm về việc cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm đánh giá việc trẻ em cần có gia đình thay thế. Vì việc cho phép cơ sở nuôi dưỡng trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi chưa phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 29 Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, dễ làm phát sinh việc trao đổi lợi ích giữa những người đang nuôi dưỡng trẻ và người có nhu cầu nhận trẻ làm con nuôi.
Ông Lưu cho biết, theo Quy chế phối hợp thực hiện việc đăng ký NCN trong nước, NCN có yếu tố nước ngoài tại TP HCM thì đối với trẻ em đã được tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng, đã được lập danh sách cần tìm gia đình thay thế gửi cho Sở Tư pháp, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, Sở Tư pháp sẽ giới thiệu đến cơ sở nuôi dưỡng để làm thủ tục theo quy định.
Do đó, trong trường hợp công dân Việt Nam thường trú muốn nhận con nuôi đang sống trong cơ sở nuôi dưỡng thì cần đăng ký nguyện vọng tại cơ quan quản lý cơ sở nuôi dưỡng trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện) hoặc Sở Tư pháp để được giới thiệu trong số trẻ em đã được đánh giá nhu cầu, lập danh sách cần tìm gia đình thay thế.