Xóa phân biệt giữa các cơ sở trong giới thiệu trẻ làm con nuôi

(PLO) - Qua tổng kết thi hành Nghị định 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi (NCN), những kết quả đạt được là rất khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nên Bộ Tư pháp đã đưa ra nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 19 nhằm tạo thuận lợi hơn cho công tác NCN.
Một buổi lễ giao nhận con nuôi
Một buổi lễ giao nhận con nuôi

Hơn 21 nghìn trẻ em tìm được mái ấm thay thế

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2011 – 2017, toàn quốc đã giải quyết 18.372 trường hợp con nuôi trong nước (chủ yếu là trẻ được nhận làm con nuôi từ gia đình gốc, chỉ có khoảng 1,9% là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt) và 2.861 trường hợp con nuôi nước ngoài (trong đó, số trẻ em thuộc diện khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo được cho làm con nuôi nước ngoài chiếm khoảng 65%).

Kết quả giải quyết NCN trong nước nhìn chung khá ổn đinh, không có sự tăng hay giảm đột biến về số lượng. Còn số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài tuy giảm mạnh nhưng lại được cải thiện rõ nét về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Công ước La Hay, tạo sự tin tưởng với các nước nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Hiện nay, hầu hết các nước nhận nhiều con nuôi đều đã thiết lập hoặc nối lại quan hệ hợp tác với Việt Nam như Pháp, Đan Mạch, Italia, Ailen, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Na Uy…

Đặc biệt, nhiều trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo không có cơ hội được nhận làm con nuôi trong nước đã có gia đình cha mẹ nuôi nước ngoài có đầy đủ điều kiện chăm sóc trong môi trường gia đình ở những nước có trình độ y học phát triển. Một trường hợp điển hình là gia đình ông Michael Wagner và bà Johanne Wagner (Canada) đã có 5 người con đẻ nhưng vẫn nhận nuôi thêm 4 người con từ Việt Nam.

Trong đó có trường hợp của 2 cháu sinh đôi La Thị Bình và La Thị Phước, bị hội chứng Alagille - một hội chứng gây vàng da, tắc mật và cần phải được ghép gan để có thể có được một cuộc sống ổn định. Người cha nuôi, ông Michael Wagner đã hiến tặng một phần gan của mình cho 1 trong 2 cô con gái nuôi là bé Phước. Để tìm người tình nguyện hiến tạng cho bé gái còn lại, bà Johanne chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội và thật may mắn đã có một người tình nguyện hiến tặng 15% lá gan của mình cho bé Bình. 

Không giải quyết NCN một cách ồ ạt

Tuy nhiên, công tác giải quyết NCN chưa đáp ứng được một số lượng lớn trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trên cả nước thường xuyên có khoảng 21 nghìn trẻ em sống ở các cơ sở nuôi dưỡng, trong khi hàng năm chỉ có 407 trẻ em sống ở đây (chiếm 1,9%) được cho làm con nuôi trong nước. Không những thế, số trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo nếu đang sống ở các cơ sở nuôi dưỡng không được chỉ định giới thiệu trẻ làm con nuôi nước ngoài thì sẽ thiệt thòi về cơ hội được nhận làm con nuôi nước ngoài để được chữa trị trong điều kiện y tế hiện đại…

Trước thực tế trên, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 19 để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Một trong những dự kiến sửa đổi đáng chú ý là sẽ bãi bỏ Điều 11 quy định chỉ định cơ sở nuôi dưỡng được giới thiệu trẻ em làm con nuôi nước ngoài bởi quy định này đang tạo sự phân biệt giữa cơ sở nuôi dưỡng công lập và ngoài công lập, giữa cơ sở được chỉ định và cơ sở không được chỉ định, không bảo đảm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở nuôi dưỡng không được chỉ định có cơ hội được nhận làm con nuôi.

Việc bãi bỏ quy định này không đồng nghĩa với việc giải quyết NCN một cách ồ ạt, không kiểm soát được nguồn gốc của trẻ em được cho làm con nuôi. Ngược lại, dù trẻ em sống ở bất kỳ cơ sở nuôi dưỡng nào thì việc tiếp nhận và giải quyết cho làm con nuôi cũng phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật có liên quan.

Dự thảo Nghị định còn giao cho UBND cấp xã hàng tháng rà soát, đánh giá việc các cá nhân, gia đình tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định pháp luật để chuyển sang việc NCN. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng kéo dài thời gian nuôi dưỡng trẻ em mà không đăng ký việc NCN đối với trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Đồng thời không giao cho cơ sở nuôi dưỡng phân loại trẻ theo danh sách 1 và danh sách 2 mà cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm đánh giá việc trẻ cần có gia đình thay thế, lập và gửi xin ý kiến cơ quan chủ quản danh sách và hồ sơ trẻ em cần tìm gia đình thay thế.

Cơ quan chủ quản khi tiếp nhận được danh sách và hồ sơ trẻ sẽ thực hiện trách nhiệm của mình và gửi danh sách, hồ sơ trẻ cho Sở Tư pháp nếu không có cá nhân, gia đình tại địa phương đăng ký nhận chăm sóc thay thế. Trường hợp trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận trước khi gửi Bộ Tư pháp để đề nghị các tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép nộp hồ sơ của người nhận con nuôi đích danh. Tất cả các quy định trên nhằm tránh việc trẻ em phải sống tập trung quá lâu trong cơ sở nuôi dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ và tạo thêm gánh nặng cho Nhà nước.

Đọc thêm