Vấn đề thỏa thuận thi hành án được Điều 6 Luật THADS quy định rõ: “Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.
Vấn đề này cũng đã được hướng dẫn chi tiết tại Điều 5 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, quy định tại Điều 5 đã bộc lộ một số bất cập, đòi hỏi cần được sửa đổi.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 5 quy định về thỏa thuận chung của các đương sự trong quá trình thi hành án, khoản 3 Điều 5 quy định các đương sự có quyền thỏa thuận về việc không yêu cầu THA một phần hoặc toàn bộ yêu cầu THA. Tuy nhiên, tại 2 khoản này đều chưa quy định rõ nội dung thỏa thuận phải được lập thành văn bản.
Đồng thời, khoản 3 Điều 5 quy định việc thỏa thuận không được vi phạm điều cấm của luật…trong khi khoản 2 Điều 5 chưa quy định việc thỏa thuận của các đương sự không được vi phạm điều cấm của pháp luật dẫn đến có quan điểm cho rằng việc thỏa thuận không được vi phạm điều cấm của luật…chỉ áp dụng trong trường hợp thỏa thuận tại khoản 3 Điều 5.
Do đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP cần quy định theo hướng: Thỏa thuận phải lập bằng văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia. Đương sự phải chịu trách nhiệm đối với nội dung thỏa thuận không được vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Một vướng mắc khác mà cơ quan THADS gặp phải đó là theo quy định hiện hành thì trường hợp các đương sự thỏa thuận không yêu cầu thi hành án thì cơ quan THADS ra Quyết định đình chỉ thi hành án. Tuy nhiên, chưa quy định trong trường hợp này đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại dẫn đến việc đương sự cho rằng điều luật không quy định nên sau một thời gian lại tiếp tục nộp đơn yêu cầu thi hành án, nếu cơ quan THADS không thụ lý giải quyết thì phát sinh khiếu nại, tố cáo về việc cơ quan THADS không ra quyết định thi hành án khi vẫn còn thời hiệu yêu cầu.
Để giải quyết các vướng mắc trên, căn cứ quy định tại Điều 52 Luật THADS thì việc thi hành án đương nhiên kết thúc khi có quyết định đình chỉ thi hành án. Khi việc thi hành án đã kết thúc thì về nguyên tắc đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại. Do đó, Dự thảo Nghị định cần quy định rõ: Đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành án.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: “Người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan THADS mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan THADS”. Tuy nhiên, việc người yêu cầu phải chịu chi phí trên là không phù hợp vì THADS không phải là dịch vụ. Do đó, Dự thảo cần quy định rõ trường hợp đương sự thỏa thuận trực tiếp mà yêu cầu chấp hành viên chứng kiến thì việc chứng kiến phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan THADS để tránh phát sinh các chi phí.