Góc khuất mệt mỏi phía sau 'bà đầm thép' Thatcher

(PLVN) - Trước công chúng, Margaret Thatcher được đặt cho biệt danh “Bà đầm Thép” bởi sự mạnh mẽ và cứng rắn. Tuy nhiên, đằng sau đó, những tài liệu mới được công bố cho biết bà cũng có những lúc mệt mỏi, yếu đuối và phải viện đến những liệu pháp kỳ cục như dùng vòng may mắn, hay những phương thuốc chưa được kiểm chứng; với hy vọng tăng cường sức khỏe, đảm bảo công việc.
Bà Margaret Thatcher.
Bà Margaret Thatcher.

Nữ thủ tướng đầu tiên nước Anh 

Bà Margaret Thatcher sinh năm 1925 ở thị trấn nhỏ Grantham thuộc Lincolnshire (Anh) với tên khai sinh là Margaret Roberts. Bà lớn lên trong một gia đình có cha là một chính trị gia nhưng đồng thời cũng là chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Người cha Alfred Roberts được cho là có ảnh hưởng rất lớn đến nữ Thủ tướng tương lai. 

Là một học sinh xuất sắc, tốt nghiệp phổ thông, bà Thatcher được nhận vào trường Đại học Oxford, chuyên ngành hóa học. Tuy nhiên, hóa học chỉ chiếm vị trí thứ hai trong các kế hoạch tương lai của bà, sau chính trị.

Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, bà đã tỏ rõ đam mê làm chính trị. Bà được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội của các sinh viên Bảo thủ trường Đại học Oxford và có cơ hội gặp gỡ nhiều chính trị gia nổi tiếng lúc bấy giờ. 

Hai năm sau khi tốt nghiệp đại học, bà Thatcher lần đầu tiên tìm kiếm cơ hội trên chính trường. Năm 1950, bà tranh cử vào nghị viện Dartford với danh nghĩa một ứng viên Bảo thủ, trở thành người phụ nữ trẻ nhất ra tranh cử.

Dù thất bại trong cuộc bỏ phiếu lần đó nhưng bà vẫn nhận được sự kính trọng từ các đồng nghiệp trong đảng qua những bài phát biểu vận động cử tri. Năm sau, bà tiếp tục ra tranh cử nhưng vẫn thất bại.

Hai tháng sau thất bại trong cuộc bầu cử, bà Thatcher kết hôn. Năm 1959, bà tiếp tục tranh cử và lần này đã thành công trong việc giành được một ghế trong Hạ viện Anh, đại diện cho khu vực Finchley. Chỉ hai năm sau, bà trở thành Bộ trưởng lương hưu và bảo hiểm quốc gia trong Chính phủ của ông Harold Macmillan.

Trong thời gian đảng Bảo thủ trở thành thành viên của phe đối lập, bà dần trở thành một trong những nhân vật cấp cao của đảng và đến khi đảng này giành lại được vị trí lãnh đạo vào năm 1970 thì bà cũng được Thủ tướng Edward Heath đưa vào nội các với chức Bộ trưởng Giáo dục.

Trên cương vị Bộ trưởng giáo dục, bà Thatcher nổi tiếng với biệt danh “Thatcher, người giật sữa” khi hủy bỏ chương trình cấp sữa miễn phí trong trường học ở Anh. Trong thời gian này, bà cũng gặp nhiều khó khăn vì không thể khiến Thủ tướng Edward Heath hiểu được những ý tưởng của bà.

Dường như vô cùng thất vọng về tương lai của phụ nữ trong chính trường Anh nên trong một lần xuất hiện trên truyền hình vào năm 1973, bà đã được dẫn lời nói rằng: “Tôi không nghĩ trong thời gian mình còn sống có thể có một nữ thủ tướng”.

Có điều, chính bản thân bà sau đó đã tự chứng minh rằng bà đã sai. Khi đảng Bảo thủ mất quyền vào năm 1974, bà đã trở thành nhân vật uy tín số 1 trong đảng và đến năm 1975 thì được bầu làm lãnh đạo của đảng này thay cho ông Health. Với chiến thắng này, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên là lãnh đạo của đảng đối lập trong Quốc hội Anh.

Ở thời điểm đó, nước Anh đang chìm sâu trong hỗn loạn về kinh tế và chính trị. Chính phủ gần như bị phá sản, tỉ lệ thất nghiệp tăng, các liên đoàn lao động xung đột nhau sâu sắc. Sự bất ổn này đã giúp đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền vào năm 1979 và với cương vị lãnh đảo đảng, bà Thatcher đã làm nên lịch sử vào tháng 5/1979 với việc được bổ nhiệm làm nữ thủ tướng đầu tiên của Anh.

“Bà đầm thép”

Tác động chính trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà Thatcher tới nước Anh là về kinh tế. Kế thừa một nền kinh tế yếu ớt, bà đã tích cực vận động cho sự độc lập hơn của các cá nhân, chấm dứt việc chính phủ can thiệp quá mức vào nền kinh tế với nhiều biện pháp như tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, bán nhà ở công cộng cho những người thuê nhà, giảm chi phí cho các dịch vụ y tế và nhà ở, hạn chế in tiền theo các học thuyết kinh tế về tiền tệ… Bên cạnh đó, bà cũng thực thi các chính sách như giảm các khoản thuế trực tiếp nhưng tăng những thuế gián tiếp để cân bằng ngân sách, kiềm chế lạm phát… 

Có điều, trong những năm đầu tiên của nhiệm kỳ mà bà làm lãnh đạo, tỉ lệ thất nghiệp ở Anh không giảm. Cùng với đó, lạm phát cũng tăng trong khi số doanh nghiệp thì giảm đi thấy rõ. Chính vì vậy nên thành tựu của bà trong lĩnh vực kinh tế gây rất nhiều tranh cãi.

Một bức thư bà Thatcher gửi cho bà Cartland.
 Một bức thư bà Thatcher gửi cho bà Cartland.

Nhiều người ca ngợi bà là người có công cải cách các hoạt động kinh tế của Anh nhưng cũng không ít người cho rằng bà đã phá hoại nền kinh tế nước này. Phải đến năm 1986 thì tỉ lệ thất nghiệp ở Anh mới bắt đầu giảm xuống và nền kinh tế nước này cũng dần khởi sắc.

Tháng 4/1982, quân Argentina chiếm quần đảo Falklands. Một mặt bà Thatcher tích cực làm việc với giới chức Mỹ để theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này nhưng mặt khác bà cũng điều một đội đặc nhiệm tới để chiếm lại đảo. Khi giải pháp ngoại giao thất bại, hành động quân sự nhanh chóng thành công và Anh đã giành lại được quyền kiểm soát quần đảo Falklands vào tháng 6/1982.

Cử tri Anh đã rất ấn tượng với việc này bởi chỉ có ít nhà lãnh đạo Anh và châu Âu quyết định dùng để quân sự để giữ đảo. Do đó, bằng hành động của mình, bà Margaret Thatcher đã đặt nền móng cho một chính sách đối ngoại độc lập hơn và mạnh mẽ hơn của Anh trong những năm 1980. Cũng nhờ đó mà Chính phủ của bà đã tái đắc cử với số ghế nhiều hơn gấp ba lần so với nhiệm kỳ đầu vào tháng 6/1983.

Bà Thatcher thu hút được sự chú ý không chỉ vì những chính sách này mà còn vì phong cách cá nhân và quan điểm, trong đó có tinh thần dân tộc mãnh liệt, nhiệt thành phục vụ và cách tiếp cận đầy tính chiến đấu, kiên quyết để đạt được các mục tiêu chính trị. Cũng chính những quan điểm và chính sách cứng rắn này đã khiến bà được đặt biệt danh “Bà đầm thép”. Ngày 22/11/1990, sau ba năm tại nhiệm ở nhiệm kỳ thứ ba và nỗ lực thực thi một số chính sách nhưng không thành, bà tuyên bố từ chức.

Những góc khuất

Những bức thư và tài liệu ghi chép vừa được công bố sau 30 năm giữ kín đã cho thấy một khía cạnh rất khác trong Thatcher, cho thấy bà cũng có những khi yếu mềm chứ không phải lúc nào cũng cứng rắn như người ta nghĩ. 

Theo truyền thông Anh, năm 1989, trong bối cảnh Chính phủ đối mặt với vô vàn khó khăn, tỉ lệ ủng hộ của người dân giảm sút do lạm phát cao, thuế má và những tranh cãi ở khắp châu Âu, nữ Thủ tướng Anh đã mời một nhân vật đầy bất ngờ, nữ tiểu thuyết gia lãng mạn Barbara Cartland, làm trợ lý. Bà Cartland cũng là người nổi tiếng tin vào những câu chuyện ma thuật, sức mạnh siêu nhiên.

Tháng 11/1989, nữ Thủ tướng có buổi ăn trưa với bà Cartland. Sau đó ít lâu, bà Thatcher gửi cho bà Cartland một bức thư, trong đó viết: “Cảm ơn bà về Quả sồi vàng, tôi sẽ cần đến nó trong những ngày tới”. Quả sồi đó được lấy từ lâu đài của bà Cartland ở Cartland. Cây sồi này nổi tiếng vì do đích thân Nữ hoàng Queen Elizabeth I trồng và bà Cartland tin rằng nó có sức mạnh ma thuật. 

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1994, bà Cartland kể rằng bà đã cho một cặp vợ chồng không có khả năng sinh con vài quả “sồi ma thuật”. “Giờ họ đã có một đứa con rất xinh xắn. Dĩ nhiên, bà mẹ cũng uống thêm cả những viên vitamin do tôi chế ra mới được như vậy”, bà Cartland tuyên bố.

Mỗi ngày, bà Cartland uống khoảng 100 viên thuốc “hoàn toàn tự nhiên”, trong đó có một viên thuốc được làm chế từ tim và não cừu. Những tài liệu về các cuộc trao đổi giữa bà này với Thủ tướng Thatcher cho thấy bà Cartland cũng đã đưa cho bà Thatcher một số viên thuốc như vậy. “Nếu bà cảm thấy không khỏe, tôi gửi kèm theo đây sản phẩm mới nhất của hội chúng tôi. Nó giúp mang oxy tới mọi ngõ ngách trong cơ thể, bao gồm cả não.

Con trai 51 tuổi của tôi nói rằng sau khi uống thuốc, khi thức dậy vào buổi sáng, nó có cảm giác như mình là một cậu bé 16 tuổi vậy”, một bức thư bà Cartland viết cho bà Thatcher vào tháng 6/1989 có đoạn. Một tuần sau đó, bà Thatcher, người nổi tiếng với tuyên bố chỉ ngủ bốn tiếng mỗi đêm, đã viết thư lại, cảm ơn bà Cartland vì những viên thuốc bổ sung năng lượng. Tháng sau, bà Cartland tiếp tục gửi thêm thuốc cho bà Thatcher. 

Trước đây, năm 1989, tờ Vanity Fair cũng từng đưa tin nữ Thủ tướng của Anh thường sử dụng những “bồn tắm điện” để giữ cho cơ thể được khỏe khoắn, trẻ trung. Bà cũng thường xuyên tới nhà của một thầy thuốc người Ấn Độ để ông này kích những dòng điện 0,3 ampe qua nước truyền vào người hòng tăng cường sức khỏe.

Đọc thêm