“Bắt bệnh” trì trệ

(PLVN) - Ngày 12/2, tại cuộc họp đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (Covid-19), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đích danh một “căn bệnh” thuộc dạng trầm kha trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức.
Nông sản ùn ứ do ảnh hưởng dịch bệnh
Nông sản ùn ứ do ảnh hưởng dịch bệnh

Thủ tướng nói rõ: “Chúng ta phải chống cả hai loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân”.

Một ngày trước đó, “căn bệnh” này đã một lần nữa được thể hiện trong “Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch virus Corona” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 11/2. Tại Hội nghị, đại diện các địa phương nêu lên những con số “chóng mặt”, lo ngại không biết khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu nông sản, rồi ai sẽ tiêu thụ số hàng này: Đồng Tháp 90.000 tấn xoài, 11.000 tấn khoai lang; Đồng Nai 110.000 tấn xoài, 47.000 tấn mít, 155.000 tấn chôm chôm, Bình Thuận 96.000 tấn thanh long…

Thị trường xuất khẩu tắc nghẽn tạm thời, trước mắt chỉ có thể “bấu víu” vào thị trường tiêu thụ trong nước. Với gần 100 triệu người, thị trường này rõ ràng là không nhỏ. Thế nhưng, khi đại diện các doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị, dư luận mới ngỡ ngàng về một “sự thật cay đắng”.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp bán lẻ mong muốn hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thậm chí chấp nhận không lợi nhuận, nhưng không có đủ hàng từ các tỉnh chuyển về để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. “Thậm chí khi xuống địa bàn thì không biết thu mua ở đâu. Doanh nghiệp muốn “giải cứu” nông sản nhưng không biết tìm hàng ở đâu”, đại diện một hệ thống bán lẻ cho hay.

Không rõ những cán bộ có trách nhiệm khi nghe thực tế này có cảm thấy cay đắng? Cả một hệ thống quản lý ngành mua bán, phân phối, kết nối, hỗ trợ cung - cầu đã ở đâu? Hay lấy ví dụ một cơ quan có trách nhiệm trong việc này, là Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương, theo quy định chức năng, nhiệm vụ có tới 16 đầu mối công việc, nhưng đã ở đâu mà để nông dân và doanh nghiệp thu mua phải loay hoay tự tìm cách “giải cứu” nhau không thành như thế?

Rất có thể, cán bộ có chức năng trước ý kiến này sẽ cố biện minh rằng họ nhiều việc, rằng đơn vị ít người, rằng đã cố gắng hết sức trong “8 tiếng vàng ngọc” mỗi ngày… Nhưng trong lúc cả nước gồng mình chống đại dịch, dù có biện minh thế nào thì cũng không thuyết phục khi để tình trạng như trên xảy ra. Thủ tướng đã nhìn ra “căn bệnh” và nay dư luận rất mong có “bài thuốc” sớm chữa dứt.

Đọc thêm