Sau loạt bài “Thâm nhập đường dây mua bán thận”, PLVN đã nhận được nhiều phản hồi tâm huyết từ bạn đọc. Bài viết này là tâm sự của người nhà một bệnh nhân chạy thận...
Bệnh tật là nỗi khổ của đời người, trong đó có lẽ người bệnh thận mãn tính phải chạy thân nhân tạo là khổ nhất. Mỗi tuần họ phải đến bệnh viện chạy thận ba lần, mỗi lần phải nằm trên giường 4 tiếng đồng hồ, chi phí cho mỗi lần chạy thận “ngốn” từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Cuộc sống của bệnh nhân chạy thận gắn liền với máy móc trong bệnh viện. |
Họ đến từ nhiều địa phương, nhiều ngành nghề với đủ độ tuổi, những người già thường phải có người nhà đi cùng. Hơn một nửa trong số họ tuổi đời từ 20 đến 40, cái tuổi của ước mơ, hoài bão, cái tuổi của cống hiến và khẳng định mình. Vậy mà cuộc sống của họ phải gắn với bệnh viện, với máy móc, tiếc và thương lắm thay.
Mục sở thị những người chạy thận nhân tạo
Ngồi bên hành lang Khoa Thận, Bệnh viện Việt Đức là một phụ nữ dáng vẻ rất trí thức nhưng nét mặt thoáng nét ưu tư. Hỏi ra mới hay chồng chị phải chạy thận. Mới đây, anh được người thân cho thận nên đang chờ làm các xét nghiệm cần thiết.
Chị tâm sự rằng, gia đình gần như suy sụp khi nghe tin chồng mắc căn bệnh quái ác này. Mọi dự định cho tương lai gần như đóng sầm trước mắt, cuộc đời tươi sáng như lao vào ngõ cụt... Nhưng rồi nhờ sự động viên của người thân, bạn bè, anh chị đã “cố thủ” và đợi được đến ngày có người hiến thận.
Cũng theo chị, chị quyết định đưa chồng đến ghép thận ở Bệnh viện Việt Đức vì biết rằng đây là bệnh viện hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng. Với bề dày 100 năm, Bệnh viện Việt Đức đựơc biết đến là bệnh viện đầu ngành ngoại khoa, mỗi ngày mổ cho 130-150 bệnh nhân, trong đó có đến 80-90% là loại một và loại đặc biệt.
Làm việc tại bệnh viện đầu ngành nên ngoài việc chữa bệnh, đội ngũ y bác sỹ nơi đây còn làm công tác nghiên cứu khoa học, trong đó có mảng ghép tạng. Ngoài ra, ý tưởng đưa chồng “xuất ngoại” của chị đã tiêu tan từ khi nghe chuyện người quen đi ghép thận ở Trung Quốc về được 13 ngày thì... chết!
Trăn trở rào cản hiến tạng
Hiện nay, nhu cầu ghép gan, thận, tim của nhân loại là rất lớn và cũng rất tốn kém. Tuy vậy, người bệnh ở Việt Nam được hưởng mức giá điều trị “nhẹ thở” hơn nhiều. Chẳng hạn như một ca ghép gan ở nước ngoài tốn khoảng 120-130 nghìn USD thì ở Việt Nam, mức phí này chỉ khoảng 900 triệu đồng (tương đương 45 nghìn USD).
Một ca ghép thận ở nước ngoài “ngốn” của người bệnh 35-40 nghìn USD, ở Việt Nam chỉ từ 200-250 triệu đồng (khoảng 10-12,5 nghìn USD). Nhìn chung, kỹ thuật ghép tạng của các bệnh viện ở Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh được đánh giá ngang ngửa với các nước phát triển. Chúng ta tuy thua kém một số nước bạn về kinh nghiệm nhưng bù lại, việc sàng lọc trước ghép tạng được tiến hành rất kỹ càng tại Việt Nam.
Việt Nam hiện đang có hàng chục nghìn người chờ ghép gan, tim, thận nhưng nguồn tạng quá ít. Trong số ít ỏi bệnh nhân được ghép tạng, chủ yếu nguồn tạng có được từ người còn sống. Ngược lại, ở nước ngoài, nguồn tạng có từ khoảng 10% người sống, 90% từ người chết não.
Vậy phải chăng ở nước ta, số lượng người chết não quá ít ỏi nên nguồn tạng luôn ở trong tình trạng “nhỏ giọt”?
PGS.TS.Bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói về vấn đề này: “Thực tế mỗi năm ở Việt Đức có khoảng 1.000 bệnh nhân tử vong do chết não. Chúng tôi đã làm công tác vận động, giải thích trong sự cảm thông chia sẻ mất mát với gia đình bệnh nhân chết não để họ hiểu hơn ý nghĩa, hành động cao cả của việc đồng ý cho đi một bộ phận cơ thể của người thân là sự sống của một người bệnh hiểm nghèo khác.
Tuy vậy, đây là vấn đề vô cùng khó vì gia đình bệnh nhân chết não thường không vượt qua được vấn đề tâm linh, quan niệm chết phải toàn thây”.
Sức sống mới đầy tính nhân văn
Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những người Việt ra nước ngoài ghép tạng đều muốn được phẫu thuật trong nước vì như vậy sẽ đảm bảo cả kỹ thuật lẫn nguồn cho, chi phí lại rẻ hơn nhiều. Tuy vậy, do nguồn tạng trong nước quá hiếm hoi, cơ chế kiểm soát việc hiến tạng cũng như các quan niệm truyền thống về hiến tạng quá ngặt nghèo nên đa phần các bệnh nhân cần ghép tạng không thể có đủ kiên nhẫn và sức khỏe để ròng rã chờ đợi nguồn tạng từ năm này qua năm khác.
Lợi dụng điều này, các “cò tạng” đã được dịp tung hoành. Một khi đã có yếu tố thương mại len vào thì ai dám khẳng định nguồn cho tạng đảm bảo chất lượng? Ở Bệnh viện Việt Đức, hiện có khoảng 200 người có bảo hiểm đến lấy thuốc chống thải ghép sau khi đi ghép tạng ở nước ngoài về. Theo nhận định của họ, việc sàng lọc trước ghép tạng ở một số bệnh viện nước ngoài nơi họ đến ghép đã không thực sự tốt.
TS.Bác sỹ Hà Phan Hải An - Trưởng khoa Thận, lọc máu, Bệnh viện Việt Đức khẳng định: “Việc sàng lọc không tốt, không kỹ làm cho bệnh nhân bị nhiễm vi-rút và một số bệnh, có khi bệnh nhân chết không phải vì do ghép mà lại do các bệnh bị nhiễm khác.
Chúng tôi yêu cầu rất cao về mặt y học đối cũng như sự chặt chẽ về thủ tục pháp lý đối với người cho và người nhận. Việc tư vấn nhiều cấp liên quan đến bệnh cho họ là rất cần thiết cũng như đảm bảo yêu cầu các chỉ số xét nghiệm, yêu cầu về sức khỏe, tâm lý. Đặc biệt là với người hiến sau khi được phẫu thuật cho đi một quả thận thì vẫn đảm bảo cuộc sống và làm việc bình thường”.
Cuộc sống vô cùng đáng quý, với những người bệnh hiểm nghèo cận kề cái chết thì sự sống là phép màu diệu kỳ. Những bệnh nhân không may chết não ra đi là sự đớn đau tiếc nuối của những người thân nhưng sẽ là hồi sinh trở về khi được đem lại sự sống cho những người khác, đó thực sự là sức sống mới đầy tính nhân văn.
Vĩnh Hà