Chưa biết ngày khởi công
Tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam được đánh giá đã xuống cấp ở mức trầm trọng từ nhiều năm nay. Nhiều nhà ga, cầu, hầm của tuyến đường cần được nhanh chóng được tu sửa, gia cố vì nó liên quan đến an toàn đường sắt. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sau nhiều lần đề xuất, cuối cùng dự án cũng đã được Quốc hội phê duyệt đầu tư, cải tạo.
Theo đó, nguồn vốn để đầu tư cho dự án thuộc nguồn dự phòng đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Tổng vốn là 7.000 tỷ đồng. Quý IV/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức phê duyệt nguồn vốn này.
Như vậy, đến hết năm 2020, tức còn hơn 1 năm nữa, việc nâng cấp, cải tảo hệ thống đường sắt Bắc - Nam phải hoàn thành thì mới đảm tiến độ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PLVN, chưa dự án thành phần nào được tiến hành thi công, tất cả vẫn nằm trên giấy tờ.
Được biết, việc cải tại, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam lần này được chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm: Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư 1.850 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống xô va trên tuyến Hà Nội - TP.HCM, tổng đầu tư 1.950 tỷ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng. Ban quản lý dự án (PMU) 85 và PMU Đường sắt, hai đơn vị thuộc Bộ GTVT được giao là đại diện chủ đầu tư của 4 dự án trên.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc PMU 85 cho hay, đơn vị được giao làm đại diện chủ đầu tư chưa lâu nên khối lượng công việc còn rất ngổn ngang. “Dự án vẫn trong quá trình hoàn thiện thủ tục, hồ sơ”, ông Tuấn nói và từ chối trả lời thời gian dự kiến khởi công dự án.
|
Lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra vị trí sạt trượt trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Đèo Cả. |
Phải qua… 130 công đoạn
Theo PMU 85, khối lượng công việc của dự án nói trên là rất lớn, trải dài trên 1.000 km nên quá trình lập và thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. PMU 85 phải lập báo cáo tác động môi trường và hàng loạt công việc khác, tốn nhiều thời gian. Cũng theo đại diện chủ đầu tư, mỗi dự án phải thực hiện khoảng 130 công đoạn từ khâu phê duyệt dự toán đến khi thi công ngoài thực địa.
Đại diện PMU Đường sắt cũng cho hay, chưa thể tiến hành thi công vì còn vướng nhiều thủ tục. Đơn vị này cho rằng, quá trình thi công sẽ gặp nhiều khó khăn do vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn chạy tàu. Như vậy, đơn vị thi công sẽ phải vừa làm vừa hoàn đường để tàu qua lại. Điều này sẽ khiến tiến độ thực hiện dự án càng chậm hơn.
Trước những khó khăn vừa nêu, Bộ GTVTdự kiến sẽ xin ý kiến kéo dài thời gian sử dụng vốn sang kỳ tiếp theo để công trình được hoàn thành. Ông Trần Minh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, Vụ này đã yêu cầu đại diện các chủ đầu tư xây dựng các mốc công việc cụ thể cho từng dự án thành phần để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát tiến độ hàng tháng, từ đó đôn đốc triển khai đúng tiến độ. “Dự kiến, các dự án này hoàn thành trong tháng 6/2021”, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư nói.
“Chuyển nhà”, VNR mất quyền đại diện chủ đầu tư
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, trước đây, Bộ GTVT giao cho VNR là một trong hai đơn vị thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam. Tuy nhiên, VNR vừa chuyển từ Bộ GTVT vể trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên hiện nay “Tổng” này không tham gia làm chủ đầu tư, dù trước đó toàn bộ công tác chuẩn bị dự án đều do “một tay” VNR thực hiện. Hiện thẩm quyền chủ đầu tư đã chuyển từ VNR sang PMU 85.