Gọi vốn cho Lai Châu

(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc phấn đấu đưa Lai Châu thoát nghèo, vươn lên là một tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc không chỉ là mong ước của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh mà còn là mong muốn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân…
Gọi vốn cho Lai Châu

Đến với “Vẻ đẹp tiềm ẩn”

Lần đầu tiên tổ chức với quyết tâm đưa Lai Châu trở thành tỉnh trung bình vào năm 2020, nên mặc dù diễn ra vào ngày thứ bảy (23/4), đường sá xa xôi song Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu đã có sự tham gia đầy đủ của các Bộ ngành TW, đặc biệt gần 200 doanh nghiệp (DN), trong đó có cả DN FDI.

Bởi vậy, ”Nhà nghèo khó mới biết con cái hiếu thảo như thế nào! Sự có mặt các nhà đầu tư ở đây thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và sự cố gắng rất lớn đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Lai Châu...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Đồng tổ chức hội nghị, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà kêu gọi: “Nói đến Lai Châu là nói đến một tỉnh trẻ nhất của đất nước, là vùng đất mang “vẻ đẹp tiềm ẩn” đang đón đợi cơ hội được khám phá và phát triển cũng là địa phương đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của TW cũng như sự chung tay, góp sức của cộng đồng DN”.

“Vẻ đẹp tiềm ẩn” của Lai Châu, theo Chủ tịch BIDV không chỉ là tiềm năng phát triển du lịch còn là những lợi thế mà ít địa phương sánh được, đó là nguồn quỹ đất rất lớn cho phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản tập trung, quy mô lớn; là nguồn tài nguyên phong phú, thuận lợi để phát triển công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng; là nơi có nguồn lao động trẻ, dồi dào và chính sách đào đạo nghề ngày càng được chú trọng; nơi có đội ngũ doanh nghiệp với quy mô thuộc mức khá so với vùng Tây Bắc; đặc biệt là sự đoàn kết của các dân tộc tạo nên ưu thế phát triển kinh tế...

Tiếp sức

Từ năm 2004 đến nay, Lai Châu thu hút được 124 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 204.892 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trung tâm thương mại, du lịch, y tế... Trong đó, nhiều dự án lớn đã hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm, nộp ngân sách lớn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An, các dự án đó chủ yếu là vốn nhà nước thông qua Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Cao su mà chưa có sự tham gia của tư nhân.

“Lai Châu có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn là một tỉnh nghèo. Chúng tôi nhận thức rằng, để phát triển kinh tế nhanh, bền vững thì phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi cam kết nỗ lực hết mình để sát cánh, đồng hành cùng DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả bền vững tại Lai Châu...”, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cam kết.

Theo khảo sát của BIDV, giai đoạn 2016-2020, Lai Châu cần khoảng 90.000 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu đó, theo Chủ tịch BIDV ngoài việc tăng tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn lên khoảng 45-50 nghìn tỷ đồng, gấp 3-3,5 lần so với năm 2015 (14.805 tỷ đồng); trong đó dư nợ trung dài hạn chiếm khoảng 40% (~ 19-20 nghìn tỷ đồng) thì Ngân hàng nhà nước cần có cơ chế để hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt các NHTM nhà nước cho vay ứng trước phần vốn đã được TW và địa phương thu xếp để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo nguyên tắc cho vay có hoàn trả, hỗ trợ lãi suất cho vay, hỗ trợ kéo dài thời hạn cho vay hợp với chu kỳ sản xuất nhằm khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư...

Đặc biệt, tại Hội nghị này Chủ tịch BIDV đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương thông qua hiệp hội xi măng, sắt thép, tích cực vận động các DN trong ngành mua trái phiếu hàng hóa (xi măng, sắt thép) với giá trị dự tính 1 triệu tấn xi măng và 100.000 tấn sắt thép, tương đương tổng trị giá khoảng 3500 tỷ đồng (trong đó 1 triệu tấn xi măng tương đương 1.900 tỷ, 100.000 tấn sắt thép tương đương 1600 tỷ tính theo thời giá hiện tại) với kỳ hạn 5 năm, mức lãi suất 7-8%/năm và theo hình thức trả sau để hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, triển khai các dự án đường liên bản, liên xã, liên huyện.

”Tôi đã trao đổi với 4 DN xi măng lớn, họ rất sẵn sàng nếu Chính phủ có cơ chế này. Còn nếu với cách làm như hiện nay, tôi e là 20 năm nữa Lai Châu chưa giải quyết được bài toán giao thông...”, ông Hà phát biểu.

Ngoài cam kết tài trợ 70 tỷ đồng (giai đoạn 2016- 2020) cho công tác an sinh xã hội, BIDV còn cam kết cung ứng gói hỗ trợ không hoàn lại trị giá 10 tỷ đồng để triển khai xây dựng các quy hoạch. Đặc biệt, ngân hàng này cam kết cung ứng gói tín dụng ưu đãi trị giá 100 tỷ đồng với lãi suất bằng 80% lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường; phấn đấu duy trì mức tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016-2020 ở mức 25-30%/năm, trong đó 3 năm 2016-2018 sẽ dành khoảng 5-6 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn linh hoạt, lãi suất ưu đãi cho các chương trình/dự án theo nguyên tắc có hoàn trả (nhất là dự án của các DN Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan), trong đó đặc biệt ưu tiên đối với 3 lĩnh vực có tiềm năng: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và công nghiệp chế biến.

Lai Châu đang kêu gọi đầu tư vào 21 dự án trọng điểm trong các lĩnh vực hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao trong đầu tư kinh doanh so với nhiều địa phương khác trong cả nước bao gồm: đầu tư nông, lâm nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, du lịch. Ngay tại Hội nghị đã có 10 dự án có tổng mức đầu tư 8.294 tỷ đồng được lựa chọn để UBND tỉnh Lai Châu trao quyết định chủ trương đầu tư… 

Thủ tướng tin tưởng doanh nghiệp góp “gạch hồng” giúp Lai Châu

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh để phát huy có hiệu quả cao nhất các tiềm năng và lợi thế, Thủ tướng đề nghị tỉnh Lai Châu phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình.

Là địa phương có đường biên giới với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Thủ tướng lưu ý Lai Châu phải đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước bạn, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện mở ra thị trường tiêu thụ lớn hơn cho sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, phải quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa, không để phát triển lệch pha giữa tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội…

Về phía nhà đầu tư, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nhà đầu tư ”nói đi đôi với làm”, cam kết hôm nay phải nỗ lực triển khai thực hiện và đặc biệt là phải quan tâm công tác bảo vệ môi trường, giữ môi trường cho người dân...

Về phía Chính phủ và các Bộ ngành, Thủ tướng khẳng định với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Lai Châu, Chính phủ phải đặc biệt quan tâm. Ngay tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo, giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế, chính sách để giúp Lai Châu có điều kiện phát triển hơn nữa.

Để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn, kinh doanh, đầu tư vào một tỉnh khó khăn như Lai Châu, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ giữ môi trường hòa bình hữu nghị, kinh tế vĩ mô ổn định… “Nhất định quý vị sẽ giúp viên gạch hồng để xây dựng Lai Châu!”, Thủ tướng tin tưởng.

Đọc thêm