Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam (VARS) và Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình vừa phối hợp tổ chức tọa đàm "Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn" tại huyện Tuyên Hóa.
Đây cũng là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động của Chương trình "Góp một cây để có rừng" năm 2024 và hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng.
"Phục hồi rừng tự nhiên có một ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển bền vững", Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Triệu Văn Lực nói.
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong 3 năm (năm 2021-2023), tổng nguồn vốn huy động để bảo vệ, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng là 9.449 tỷ đồng, trong đó có tới 4.111 tỷ đồng từ vốn vốn xã hội hóa (chiếm 43,5%). Điển hình là Công ty VARS với Dự án "Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn". Dự án này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp "Góp một cây để có rừng".
Ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, ông Ngô Sĩ Hoài và bà Nguyễn Thy Dung chủ trì cuộc tọa đàm
Các địa phương và các đại biểu đánh giá, trong điều kiện chưa có một sinh kế rõ ràng, lâu dài cho người trồng rừng mà trong 3 năm qua, VARS đã cùng với chính quyền các huyện ở Quảng Trị và Quảng Bình trồng được hơn 521 hecta rừng, tương đương với 617.102 cây giống bản địa như Lim, Dổi, Huỷnh, Vàng Tâm, Re, Lát, Xoan… là một nỗ lực rất đáng ghi nhận. Năm 2023, VARS đã được Bộ trưởng Bộ NN & PTNT tặng bằng khen về thành tích này.
Phục hồi rừng không tách rời tạo sinh kế cho người dân
Ông Triệu Văn Lực đánh giá cao nỗ lực của VARS trong việc phục hồi rừng bằng cách trồng các giống cây bản địa ở những vùng đầu nguồn các con sông lớn như sông Gianh, sông Thạch Hãn.
Nhân dịp này, các chuyên gia góp thêm ý kiến để việc trồng và phục hồi rừng ngày càng đạt kết quả cao hơn.
Một nông dân người dân tộc Mã Liềng chăm sóc khu rừng 3 năm tuổi trồng bằng vốn của VARS ở Bản Kè, Tuyên Hóa, Quảng Bình
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Cao Văn Nam, cán bộ quản lý rừng cộng đồng huyện Đakrông, Quảng Trị, chia sẻ: "Cây gỗ lớn bản địa làm tăng giá trị và mới có ý nghĩa bảo vệ sinh thái nhưng người dân e dè vì chọn trồng keo (dăm gỗ) thì mới tính toán được nguồn thu trong một số năm nhất định.
Ông Trần Tấn Phương, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, một người trồng rừng từ nguồn vốn của VARS, nêu thực tế: "Vì chúng ta đang phục hồi rừng trên những phần đất đã bị thoái hóa nên phải đầu tư cao hơn. Vận động hộ nghèo trồng rừng là không hiệu quả vì thiếu ăn thì họ không thể giữ rừng. Tôi có lập một hợp tác xã gồm những người có thu nhập ổn định cùng trồng rừng. Chúng tôi đầu tư phần dư dả cho rừng".
Một số ý kiến cho rằng phải nghiên cứu để trồng thêm cây đa mục tiêu như cây giổi lấy hạt hay dược liệu dưới tán rừng, bổ sung sinh kế cho người trồng cây bản địa.
Giáo sư Trần Ngọc Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội cây Di sản Việt Nam, cũng nêu giải pháp "đa dạng hóa nguồn thu bằng cách, thay vì trồng rừng thuần nên trồng rừng hỗn giao (đa loài, đa tuổi) và đưa những loại lâm sản ngoài gỗ trồng dưới tán rừng.
Một nguồn thu khả thi khác từ rừng
TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, nhất trí với đánh giá, người dân mà không nhìn thấy lợi ích thì rừng sẽ rất khó giữ, tuy nhiên, theo ông, nhìn thu nhập từ trồng keo là cái nhìn ngắn hạn, có một nguồn thu khả thi khác từ rừng nữa là tín chỉ carbon.
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).
Với đơn giá bán tín chỉ 5 USD/tấn carbon hấp thụ, tổng giá trị của hợp đồng lên tới 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng). Ước tính, tổng trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng toàn cầu giảm trong giai đoạn 1990-2020, trong khi đó Việt Nam là số ít các nước có trữ lượng carbon trong hệ sinh thái rừng tăng trong cùng giai đoạn. Hiện Việt Nam đang phát thải ròng âm (hấp thụ nhiều hơn phát thải) nên tiềm năng thương mại tín chỉ carbon của rừng là rất lớn.
TS. Nguyễn Ngọc Huy lưu ý, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon không nên qua trung gian (ngay cả qua Ngân hàng Thế giới). Bây giờ thị trường carbon của EU vào khoảng 61 Euro/tấn. Mỗi hecta rừng Việt Nam có thể cho khoảng 50 tấn carbon/năm.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam Vũ Xuân Thôn, "lấy được tiền tín chỉ carbon đã khó, chia tiền còn khó hơn". Tín chỉ carbon các nước làm nhiều nhưng chúng ta mới chỉ thí điểm quốc gia ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, Chính phủ đang giao các cơ quan hoàn thiện quy trình pháp lý để khai thác hiệu quả. "Để chứng minh được khối lượng tín chỉ carbon từ rừng không dễ", ông Thôn nhìn nhận.
Các đại biểu tham quan một khu rừng huỷnh, 20 năm tuổi, được trồng bởi ông Nguyễn Xuân Thiết ở xã Hướng Hóa, Quảng Bình
Trồng và phục hồi rừng tự nhiên rõ ràng không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho địa phương, cho người trồng rừng mà theo TS. Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, "một đất nước muốn đa dạng hóa sinh học phải giữ và phục hồi được rừng tự nhiên".
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản sẽ huy động các doanh nghiệp làm ăn khá giả đóng góp cho chương trình trồng rừng bằng các giống cây bản địa nhất là những doanh nghiệp hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu khai thác từ trong nước.
Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt Dự án Phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng".
Chương trình "Góp một cây để có rừng" do VARS khởi xướng là một hành động cụ thể, hiệu quả trong việc hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những bên đồng hành cùng VARS, bà Nguyễn Thy Dung, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bất động sản RED Center, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, gọi sự hưởng ứng này của cộng đồng là "hành động tập thể để làm mát mẹ trái đất".
Một cây của VARS có giá 50.000 đồng, góp trực tiếp vào hai tài khoản: 213216, Ngân hàng ACB, chi nhánh Minh Khai, Hà Nội và 19036682427014, Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội, (Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam). Bằng thông điệp "Góp một cây để có rừng", gửi tới cộng đồng, tính tới ngày 21/3/2023, VARS đã nhận được 3.538 lượt đóng góp, trong đó chủ yếu là đóng góp của các cá nhân và của 21 tổ chức, doanh nghiệp.