Góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Bộ Công an nêu quan điểm “bảo lưu quy định nồng độ cồn bằng 0”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong văn bản tham gia ý kiến giải trình một số nội dung mới của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) gửi đến Quốc hội mới đây, Bộ Công an nêu rõ quan điểm "bảo lưu quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện".
Công an TP Hà Nội ra quân kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn. Nguồn Internet
Công an TP Hà Nội ra quân kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn. Nguồn Internet

Theo khảo sát, Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới. Bộ Công an cho rằng tỷ lệ này "đáng báo động". Hơn 50% vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu, bia. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn giúp bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, việc quy định nồng độ cồn bằng 0 sẽ giúp người lái xe tránh được tình trạng "bị ép uống rượu" khi văn hóa của người Việt có tính cả nể. "Nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì", văn bản nêu.

Theo Bộ Công an, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường, cố ý vi phạm, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Việc này có thể "cướp đi sinh mạng của nhiều người", do đó pháp luật cần nghiêm khắc.

Điều kiện giao thông ở Việt Nam cũng rất khác các nước. Tại các nước phát triển, ô tô đi theo làn và khoảng cách phù hợp với tốc độ. Điều này cho phép lái xe có khoảng 0,5 giây để nhận biết tình huống khẩn cấp, 0,5 giây tiếp theo để có phản xạ. Như vậy, nếu tài xế vi phạm để xảy ra tai nạn cũng hạn chế tai nạn liên hoàn.

Để đạt được điều kiện này, ô tô đi với vận tốc 40km/h thì khoảng cách giữa hai xe là hơn 22m. Điều này "là không tưởng ở Việt Nam", nơi các xe chỉ cách nhau khoảng một vài mét khi đi 40km/h. "Giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra", Bộ Công an nhận định.

Theo báo cáo, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tại nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20%. Từ năm 2018 đến năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị do tai nạn giao thông đường bộ là 2,74 triệu, trong đó số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia hơn 425.000 lượt người.

Bộ Công an cho rằng việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với 2022.

Từ các lý do nêu trên, Bộ Công an cho rằng cần tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc. Sau khi ý thức, văn hóa giao thông hình thành tốt, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Hồi tháng 11/2023, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật TTATGTĐB, quy định xử phạt tài xế có nồng độ cồn đã gây ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu cho rằng cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp và nên thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt.

Một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị cân nhắc việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì "quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam". Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của BLHS.

Dự kiến, dự Luật TTATGTĐB sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Đọc thêm