Quan điểm còn khác nhau
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 86 ngày 29/7/2013 của Chính phủ về kinh doanh TCĐT và Nghị định số 175 ngày 30/12/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 86, trong thời gian qua, Bộ này đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (GCN) TCĐT cho 33 doanh nghiệp (DN). Trong đó có 8 DN được cấp trước và 25 DN được cấp sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực.
Tuy nhiên, từ tháng 2 đến tháng 8/2018, khi Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan đối với 5 hồ sơ xin cấp GCN của DN thì có 2 DN gửi công văn đến Bộ này phản ánh việc chậm trễ của cơ quan nhà nước trong xem xét cấp GCN. Đáng chú ý, trong Văn bản số 10446 gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/8/2018, Bộ Tài chính có đề cập đến những nhận thức khác nhau về loại hình kinh doanh này giữa Bộ này với Bộ KH&ĐT.
Nếu như quan điểm Bộ KH&ĐT là: “Đối với trường hợp DN chưa được cấp GCN và trường hợp đã được cấp sau ngày 1/7/2015 (ngày Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực) phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư”; thì Bộ Tài chính lại khẳng định là không phù hợp với với quy định của Luật Đầu tư và hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, hoạt động kinh doanh TCĐT dành cho người nước ngoài không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư do ngành nghề này đã được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư và Nghị định số 86 và Nghị định số 175 không quy định kinh doanh TCĐT dành cho người nước ngoài phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.
Do đó, theo Bộ Tài chính, kiến nghị nêu trên của Bộ KH&ĐT là không có căn cứ pháp lý, dễ xảy ra khiếu kiện giữa DN và cơ quan nhà nước; làm tăng điều kiện, quy trình, thủ tục hành chính đối với DN và có sự phân biệt đối với các DN đã được cấp GCN trước ngày 1/7/2015, mặc dù cùng thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 86 và Nghị định 175 của Chính phủ…
Khuyến khích hay không khuyến khích?
Liên quan đến quan điểm của Bộ Tài chính, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ sau đó, Bộ KH&ĐT đã nêu 4 điểm được coi là cơ sở pháp lý để khẳng định lập luận của mình là đúng.
Thứ nhất, về tính chất quy phạm, theo Bộ KH&ĐT, Phụ lục 4 được ban hành theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư là danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đây là các quy định thuộc nhóm quy định về “điều kiện kinh doanh”, trong khi đó, Điều 31 thuộc nhóm quy định về thủ tục đầu tư.
Thứ hai, về phạm vi, đối tượng, theo Bộ KH&ĐT, Điều 7 và Phụ lục 4 áp dụng với “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” thuộc 5 tiêu chí: Quốc phòng; an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; sức khỏe của cộng đồng. Trong khi đó, Điều 31 (Điều 30, 32 quy định về chủ trương đầu tư) áp dụng đối với các “dự án đầu tư” theo nhiều nhóm, tiêu chí khác hẳn, như: Di dân tái định cư quy mô lớn; sử dụng tài nguyên đất nước; có quy mô lớn; dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nhạy cảm và đặc thù; ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; không khuyến khích phát triển, hạn chế cấp phép tràn lan.
“Chính vì vậy, có nhiều ngành nghề nằm trong Phụ lục 4 nhưng không thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư; có nhiều ngành, hoạt động, dự án không có trong Phụ lục 4 nhưng vẫn thuộc diện phải được quyết định chủ trương đầu tư; có ngành nghề vừa thuộc diện áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh theo Phụ lục 4 nhưng cũng vừa thuộc nhóm các dự án phải được quyết định chủ trương đầu tư”, Bộ KH&ĐT diễn giải.
Thứ ba, về mục tiêu quản lý và thời điểm áp dụng, Điều 7 và Phụ lục 4 Luật Đầu tư là nhằm: Quy định cụ thể và minh bạch về các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; các điều kiện mà tổ chức, cá nhân phải đáp ứng khi đầu tư kinh doanh trong các ngành nghề đó. Trong khi, Điều 31 (và các Điều 30, 32) về quyết định chủ trương đầu tư đối với từng loại dự án là nhằm thiết lập cơ chế sàng lọc, thẩm tra, xem xét của từng cấp đối với các dự án đầu tư có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, tác động tới môi trường sống, không khuyến khích phát triển tràn lan, sử dụng tài nguyên hoặc do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện trong một số lĩnh vực…
“Vì vậy, các điều kiện về đầu tư kinh doanh của ngành nghề quy định ở Phụ lục 4 và Điều 7 Luật Đầu tư là “các điều kiện hoạt động”, được áp dụng khi cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Việc sàng lọc, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư của các cấp quy định tại các Điều 30, 31 và 32 được thực hiện trước khi cá nhân, tổ chức thực hiện dự án”, Bộ KH&ĐT tiếp tục giải thích luật.
Cơ sở thứ 4, theo Bộ KH&ĐT, về hiệu lực pháp lý, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và Luật khác về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo Luật Đầu tư. Căn cứ ban hành Nghị định số 86 và Nghị định số 175 là Luật Đầu tư. Vì vậy, nếu trong 2 Nghị định trên không quy định thủ tục đầu tư hoặc có quy định nhưng trái Luật Đầu tư thì phải thực hiện theo LĐT.
Cũng liên quan tới nội dung còn tranh cãi này, Bộ VHTT&DL có ý kiến rằng, trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cần phải rà soát, đánh giá nội dung cấp phép và thể chế hóa, quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật. Bộ này cũng đưa ra quan điểm, kinh doanh TCĐT là ngành nghề không khuyến khích phát triển vì đây là ngành nghề cần sự quản lý tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn, đạo đức xã hội… cần giới hạn số lượng, quy mô của DN kinh doanh loại hình dịch vụ này.