Taxi công nghệ sẽ được gắn mào “Taxi điện tử”
Theo đó, trong khái niệm mới về kinh doanh vận tải bằng ô tô thì Công ty TNHH Grab Việt Nam với các xe taxi công nghệ (GrabCar, Grab Taxi) sẽ là doanh nghiệp vận tải, chịu sự giám sát, quản lý theo chế tài nghị định mới.
Bộ GTVT cho rằng, việc bổ sung quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm (gọi tắt là “taxi điện tử”) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, phù hợp xu thế và khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi ứng dụng công nghệ.
Các xe này phải có hộp đèn với chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT. Trên xe phải có thiết bị được cài đặt phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách, đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm thông tin về hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả bằng tiền Việt Nam (VND)...
Bộ GTVT cho biết, việc bổ sung các quy định này để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi điện tử. Đây là hoạt động chưa có quy định tại Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải đang được thực hiện mạnh mẽ, đồng thời theo đề nghị của các Hiệp hội Taxi cần thiết phải có quy định để nhận diện và đồng nhất đối với các xe ứng dụng công nghệ có sức chứa dưới 9 chỗ.
Đại diện các Hiệp hội Taxi tỉnh, TP đều thống nhất khi tiếp tục nhìn nhận, xe hợp đồng dưới 9 chỗ đa phần là taxi và cần phải chịu sự quản lý giống như taxi.
Các điều kiện phải tương đồng để công bằng
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tháng 7 này, Bộ sẽ hoàn thành dự thảo sửa đổi và trình Chính phủ xem xét và cho ý kiến ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86. Khi Nghị định thay thế có hiệu lực cũng sẽ kết thúc thí điểm ứng dụng gọi xe tại Quyết định 24.
“Mâu thuẫn lợi ích giữa taxi công nghệ và truyền thống bản chất là như nhau. Các điều kiện cũng phải tương đồng để đảm bảo tính công bằng. Taxi truyền thống cũng phải tăng cường công nghệ, phải thích nghi, nếu không cái cũ kỹ sẽ bị đào thải,” Bộ trưởng nhìn nhận.
Trước thông tin taxi công nghệ sẽ được quản lý tương đồng giống taxi truyền thống, trả lời PLVN, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Taxi Vinasun cho biết, không chỉ riêng ông mà toàn bộ cộng đồng taxi truyền thống đều rất vui trước thông tin này.
Ông Hỷ cho biết, về bản chất, taxi công nghệ cũng thực hiện dịch vụ giống taxi truyền thống, đó là vận chuyển hành khách, trong khi taxi công nghệ không có chế tài quản lý, điều này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, không có sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp.