Uber và Grab là hai “nhà xe” taxi
Đó là quan điểm của Hiệp hội Taxi TP HCM trong văn bản góp ý Bộ GTVT về Nghị định 86 sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Theo đó, Hiệp hội Taxi TP HCM đề xuất cần quy định rõ Uber, Grab là 2 doanh nghiệp vận tải hành khách taxi.
Hiệp hội cho rằng, đơn vị cung cấp phần mềm chỉ cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mại. Uber, Grab cũng không được điều hành trực tiếp hoạt động vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe mà chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải.
Hiệp hội cũng đề xuất cần có quy định ngăn cấm Uber, Grab dùng nguồn vốn nước ngoài vào khuyến mại, quảng cáo. Cơ quan này cho rằng 2 đơn vị này dùng nguồn vốn đó để thao túng, chiếm thị trường vận tải khách bằng taxi rồi báo lỗ.
Một số kiến nghị khác được đưa ra là quy định về việc Uber, Grab đặt máy chủ ở Việt Nam, ký hợp đồng, xử lý tranh chấp tại Việt Nam. Trách nhiệm của các đơn vị vận tải hành khách ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp phần mềm cũng cần được làm rõ.
Cơ quan này còn đề nghị Bộ GTVT làm rõ một số vấn đề liên quan phát sinh trong việc thực hiện Quyết định 24 về thí điểm hợp đồng xe điện tử. Theo đó, trong nghị định mới cần làm rõ vấn đề ký hợp đồng với nhiều HTX hình thành một thị trường thống nhất do họ chỉ huy điều hành như một doanh nghiệp vận tải.
Theo Hiệp hội, Uber và Grab điều hành quản lý như một doanh nghiệp vận tải taxi nhưng thực tế chỉ mới được coi là cung ứng phần mềm. Từ đó, thị trường được hình thành với quy mô lớn chỉ có 2 công ty điều hành, cạnh tranh với doanh nghiệp taxi. Việc Uber, Grab hoạt động chủ yếu thông qua chính sách giá cả, khuyến mại, theo Hiệp hội, là trái với quy định của Luật Cạnh tranh.
Trong khi đó, cách đây ít ngày, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã xác định Uber là một công ty dịch vụ vận tải, thay vì một ứng dụng công nghệ như hãng này vẫn tự nhận. Điều này có nghĩa là Uber sẽ phải chấp nhận những quy định hoạt động khắt khe hơn, cũng như phải có giấy phép vận hành như một hãng taxi trên toàn thị trường EU, bao gồm cả nước Anh. Quyết định này được đưa ra tại Luxembourge và không thể kháng cáo.
Thông tin đưa trên Bloomberg và The Guardian cho biết, theo giới phân tích, phán quyết này là một bước ngoặt quan trọng quyết định cách thức vận hành và mô hình kinh doanh của Uber tại rất nhiều thị trường khác trong thời gian tới. Nhiều nước vẫn lúng túng trong việc xác định Uber là hãng vận tải hay chỉ là một phần mềm công nghệ, và định nghĩa của ECJ có thể là một tiền lệ tham khảo quan trọng để họ đưa ra quyết định.
Kinh nghiệm tham khảo giá trị cho cơ quan quản lý
Theo phân tích của các chuyên gia pháp lý mà chúng tôi có dịp tham khảo, phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu không ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống pháp luật và việc quyết định của Việt Nam về Uber, tuy nhiên nó sẽ có tác động rất lớn đến việc xem xét, đánh giá và thông qua chính sách quản lý Uber nói riêng, các hoạt động tương tự nói chung.
Trên thực tế, về mô hình vận tải công nghệ, hiện còn có nhiều ý kiến trái chiều, vì liên quan trực tiếp đến an toàn trật tự xã hội và hệ thống giao thông. Một chuyên gia về pháp luật thương mại phân tích, ở Việt Nam, có thể tạm thời phân chia thành 3 hình thức hoạt động của Uber. Thứ nhất là công nghệ gọi xe kết hợp với xe taxi kinh doanh chuyên nghiệp. Đây là hình thức tốt, không vướng gì và một số công ty taxi truyền thống cũng đang triển khai. Thứ hai là công nghệ gọi xe kết hợp với xe ô tô không đăng ký kinh doanh taxi, nhưng có đăng ký kinh doanh khác. Thứ ba là công nghệ gọi xe kết hợp với xe ô tô không đăng ký kinh doanh (hoặc chỉ đăng ký mang tính hình thức). Trên thực tế, hình thức hoạt động thứ 2 và thứ 3 là các hình thức đang gây tranh cãi.
Bình luận về phán quyết của EJC, Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, những lập luận và nhận định của ECJ có thể trở thành kinh nghiệm tham khảo rất tốt cho Việt Nam. “Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn có những quan điểm khác biệt về hoạt động của Uber kể cả từ phía người dân, doanh nghiệp đến cơ quan chức năng. Mà muốn quản lý được thì đầu tiên phải xác định rõ và chính xác bản chất, tư cách của đối tượng chịu sự quản lý là gì, từ đó mới xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật phù hợp” – Luật sư Hà Huy Từ nói – “Cá nhân tôi xem Uber cũng là công ty dịch vụ vận tải, phải thực hiện đúng các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn về dịch vụ vận tải, phải thực hiện các nghĩa vụ và được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mục đích của việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật để nhằm bảo vệ quyền lợi của người được vận chuyển, quyền lợi của lái xe, quyền lợi của doanh nghiệp, duy trì sự quản lý của cơ quan chức năng... Song song với quyền thì doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật. Một lần nữa, tôi khẳng định rằng, với quyết định của ECJ, đây là nguồn tham khảo rất tốt cho Việt Nam để xây dựng và quản lý loại hình dịch vụ vận tải như Uber một cách tốt nhất, hiệu quả nhất”.