“Nghề luật chọn người”
Chia sẻ về những cống hiến bền bỉ cho công tác pháp luật hàng chục năm trời qua, GS.TS Phan Trung Lý thổ lộ, khi đỗ đại học, ông mới được Nhà nước cử đi nước ngoài học ngành luật- một trong những ngành mới nhất trong những năm 1970. Từ cơ duyên đó, ông đã tham gia tích cực, đóng góp cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật của Việt Nam.
Năm 1978, sau tốt nghiệp Đại học Luật ở Liên Xô (cũ), ông được phân công về công tác ở Văn phòng Quốc hội (QH). Tại đây, khi đang là chuyên viên, ông được cử đi nghiên cứu sinh rồi quay về được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Hoạt động đại biểu của Văn phòng QH. Năm 1997, ông trúng cử Đại biểu QH và được bầu làm Ủy viên Ủy ban Pháp luật, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật khóa XIII.
Nhớ lại năm nhận công tác tại Văn phòng QH vào thời điểm đất nước mới thống nhất sau chiến tranh, QH còn gọn nhẹ, quân số chưa đến trăm người, song vẫn đảm bảo cho hoạt động của QH. Tham gia 4 khoá QH từ khoá X đến khoá XIII, ông chứng kiến sự phát triển đi lên của QH: tổ chức và hoạt động của QH ngày càng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống, thực sự trở thành cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
20 năm làm Đại biểu QH, từng ứng cử tại Cao Bằng, Nghệ An…, ông đã đại diện, phản ánh cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, giúp họ giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc qua công tác khiếu nại, tố cáo. Ở “vai” đại biểu chuyên trách của QH, nhiệm vụ chủ yếu của ông là trực tiếp thẩm tra, giúp QH chỉnh lý thông qua hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, có những dự luật quan trọng, ghi đậm dấu ấn đổi mới như Hiến pháp các năm 1980, 1992, 2013.
“Thâm niên” làm việc trong các cơ quan của QH cũng giúp ông chứng kiến hoạt động của QH ngày càng dân chủ, chất lượng, hiệu quả hơn, chứng kiến sự trưởng thành của các đại biểu QH. Cũng theo ông, công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào thực chất hơn, hiệu quả cao hơn.
Ông nhớ lại, những năm 1970-1980, đại biểu QH thường chỉ chuẩn bị tham luận sẵn, báo cáo thành tích của địa phương, thảo luận, tranh luận rất ít, mang tính một chiều; các dự án luật mà Chính phủ trình hầu như được thông qua.
Nhưng dần dần ý kiến tranh luận nhiều hơn, ý kiến ngược chiều nhau hơn, các đại biểu đã lắng nghe nhau để đi đến quyết sách đúng đắn nhất; yêu cầu các cơ quan phải chuẩn bị dự án văn bản kỹ hơn, tốt hơn, thậm chí có nhiều dự án không chất lượng là không được thông qua hay dự án được tiếp thu, chỉnh lý khác với phương án trình ban đầu của Chính phủ. Chẳng hạn như cơ quan kiểm toán, đầu tiên trình phương án là cơ quan của Chính phủ nhưng sang QH thì trở thành công cụ kiểm soát tài chính của Nhà nước, độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Đặc biệt là ông đã tham gia vào xây dựng các bản Hiến pháp. Trong đó, Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ đổi mới với việc QH thông qua nhiều chính sách, làm cơ sở đổi mới cho cả thời kỳ. Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 thì lần đầu tiên đưa ra khái niệm rất mới là Nhà nước pháp quyền. Còn với Hiến pháp năm 2013, ông làm Trưởng ban biên tập của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, trực tiếp tham gia vào sửa đổi Hiến pháp.
Tổng kết Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Hiến pháp năm 2013 thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của đất nước, khẳng định tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền, làm cơ sở cho các bước phát triển tiếp theo của đất nước ta theo yêu cầu đổi mới của giai đoạn mới. Đến nay, hệ thống pháp luật của đất nước cơ bản hoàn chỉnh, có đầy đủ các văn bản pháp luật quy định đầy đủ các lĩnh vực của đời sống.
Nhìn lại những năm 1960 – 1970, mỗi kỳ họp Quốc hội chỉ thông qua 1-2 luật, chủ yếu về tổ chức bộ máy thì hiện nay mỗi kỳ họp thông qua hàng chục luật, điều chỉnh từ vấn đề đời sống, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, đặc biệt là quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng mà nổi bật là Hiến pháp năm 2013 có riêng một chương về quyền con người, quyền công dân.
Chính sách không từ phòng lạnh
Tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp 2013 đã để lại trong ông nhiều điều đáng nhớ, nhất là khi ấy, tất cả những ai quan tâm đều có thể tham gia, đóng góp xây dựng Hiến pháp bởi một điểm mới của Hiến pháp năm 2013 là kết quả tổng hợp của sự tham gia tích cực của toàn thể nhân dân, các tầng lớp nhân dân trên tinh thần “tổng hợp đầy đủ, tiếp thu nghiêm túc, giải trình thuyết phục” đối với 28 triệu ý kiến góp ý. Bởi thế, tính nhân dân trong Hiến pháp năm 2013 rất cao, rất đậm, lần đầu tiên Hiến pháp viết hoa từ “Nhân dân” và ông mong rằng trong các văn bản cần phải luôn nhớ viết hoa từ “Nhân dân”. Hiến pháp năm 2013 đã trực tiếp cụ thể chủ trương của Đảng về xây dựng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, đặt ra một loạt vấn đề cần cụ thể hoá cho hệ thống pháp luật. Trên cơ sở Hiến pháp, QH các khoá XIII, XIV và nay là khoá XV đã và sẽ hoạt động rất tích cực để thực hiện những nhiệm vụ xây dựng pháp luật để bảo đảm cho những giá trị, tinh thần, những quy định của Hiến pháp được đi vào cuộc sống.
|
GS. TS Phan Trung Lý trong buổi công bố Hiến pháp năm 2013. |
Lại nhắc đến quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, ông Lý cho biết, ông và các đồng nghiệp đã bám sát Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp quốc để xây dựng quy định tại khoản 2, Điều 14 liên quan đến quyền con người có thể bị hạn chế bởi luật vì lý do an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khoẻ cộng đồng. Hay vấn đề về đất đai, ông và các đồng nghiệp đã xây dựng quy định hạn chế trưng thu, trưng dụng đất đai (chỉ được trưng thu, trưng dụng đất đai trong trường hợp vì lý do quốc phòng an ninh, vì phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích công cộng).
Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa tích cực, thật sự trở thành cơ sở pháp lý vững chắc của đất nước là thế nhưng theo ông, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục làm tốt nhằm bảo đảm “chính sách không từ phòng lạnh” để Nhà nước của chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Nhà nước phải phục vụ chứ không phải quản lý Nhân dân.
Ngoài hoạt động chính ở Văn phòng QH, QH, GS.TS Phan Trung Lý còn rất tích cực tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nghiên cứu khoa học về pháp luật, giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo pháp luật như: Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị, Học viện Khoa học xã hội, Đại học Quốc tế Sài Gòn…, tham gia đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên cao học, nghiên cứu sinh. Ông là tác giả/ đồng tác giả, chủ biên/ đồng chủ biên của nhiều đầu sách, công trình khoa học.
Với những cống hiến của mình, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Trong quá trình làm việc, ông có nhiều phát ngôn mạnh mẽ mỗi lần trình bày báo cáo thẩm tra, góp ý xây dựng các dự án luật. Nổi bật như “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu. Chúng ta có học tập được không?” hoặc ông đề nghị dứt khoát, thậm chí công nhận luôn hôn nhân đồng giới, ở góc độ pháp lý, không thể có kiểu quy định “không cấm cũng không thừa nhận”… Với ông, những phát ngôn ấy là kết quả của quá trình suy nghĩ, cân nhắc từ cuộc sống, từ thực tiễn. Đáng chú ý, phát ngôn “góp ý Hiến pháp là không có vùng cấm” của ông còn được một giáo sư của Trường Havard nhắc lại khi ông gặp người này tại Mỹ.
Năm nay, chúng ta “chạy nước rút” để cấp căn cước công dân cho hàng chục triệu công dân Việt Nam. Sự kiện này làm ông Lý nhớ thời điểm ông đã thành công khi đề nghị tách riêng Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân với số định danh cá nhân, xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Lộ trình khi đó là phải cấp xong số định danh cá nhân vào năm 2016 nhưng vì nhiều lý do khách quan mà đến năm nay chúng ta mới triển khai. Ông cười vui kể lại: “Năm ấy, bà Trương Thị Mai (nay là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương – PV) đùa tôi rằng, nếu ý tưởng về căn cước công dân được hoàn thành, bỏ được sổ hộ khẩu và loạt giấy tờ tuỳ thân thì phải đúc tượng ông Phan Trung Lý và ông Hà Hùng Cường (Bộ trưởng Bộ Tư pháp khi ấy)”.
Nghỉ hưu sau nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, ông càng có thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia công tác giảng dạy, đào tạo. Đều đặn mỗi năm, ông vẫn làm đề tài khoa học cấp Bộ về Nhà nước và Pháp luật, có cả đề tài khoa học cấp Nhà nước về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình… Đặc biệt, vừa qua ông được Bộ Chính trị bổ nhiệm là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 và từ đây, ông mong muốn cống hiến những hiểu biết lý luận, thực tiễn của mình trong công cuộc xây dựng pháp luật được thực tế, khả thi, nhất là làm sao để việc lấy ý kiến Nhân dân phải thật sự tôn trọng, không mang tính hình thức.