Ước mơ thành hiện thực
Nhắc đến nhiệm kỳ thứ hai của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, không thể không nhắc đến Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam 9/11. “Đất nước có Ngày Pháp luật hoặc Ngày Hiến pháp để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; để giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho toàn xã hội là ước mơ của tôi từ khi còn là sinh viên Luật”, ông Cường kể về ý tưởng đã được ông “thai nghén” gần nửa thế kỷ.
Khi đó, ở Liên Xô có Ngày Hiến pháp, là ngày lễ mà người lao động được nghỉ làm. Lúc bấy giờ, ông đã thấy trên thế giới đã có khoảng 40 nước có Ngày Pháp luật hoặc Ngày Hiến pháp. “Khi về nước, tôi nhớ mãi, khi Quốc hội (QH) thông qua Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ thống nhất đất nước, khắp nơi giăng lên khẩu hiệu tuyên truyền: “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”. Khẩu hiệu đó vẫn còn phổ biến đến bây giờ. Thế nhưng, mấy chục năm trôi qua, nhất là từ Đổi mới 1986, đất nước chuyển sang pháp trị và từ năm 1991, với Cương lĩnh của Đảng, chúng ta chuyển tiếp sang xây dựng Nhà nước pháp quyền mà tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật, “đói” pháp luật và tệ hại hơn là biết, nhưng vi phạm pháp luật thì hầu như chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt nghiêm trọng hơn! Thế thì, tôi nghĩ, khẩu hiệu là chưa đủ, phải có Luật”, ông Cường kể lại nỗi trăn trở nhiều năm trước của mình.
Với tư tưởng đó, Chính phủ đã trình và ngày 20/6/2012, QH đã lần đầu tiên thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. “Với Luật này, với tư cách Trưởng Ban soạn thảo, tôi đã đạt được ước mơ của mình, đã thuyết phục được Chính phủ, QH đưa vào Luật quy định về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đó là ngày 9/11 hàng năm, ngày thông qua Hiến pháp đầu tiên của đất nước vào năm 1946. Điều 8 của Luật quy định: “Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội””, ông Cường nhấn mạnh.
Nghe thì tưởng chừng như mọi việc đều rất thuận lợi, suôn sẻ nhưng theo ông Hà Hùng Cường, thuyết phục để có được điều luật nói trên, có được Ngày Pháp luật không phải dễ dàng. “Không ít người tại các diễn đàn khác nhau yêu cầu tôi phải giải trình: “Cả năm có một Ngày Pháp luật, còn 364 ngày khác thì sao?”. Thậm chí, có người còn nói đùa rằng: “Vậy những ngày đó không cần pháp luật?”. Tôi thẳng thừng rằng: “Ngày nào, giờ nào, phút nào, giây nào cũng phải có pháp luật, phải thượng tôn pháp luật, nhưng có Ngày Pháp luật để ai cũng phải nhớ, phải tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; ai cũng phải tự ngẫm về sự hiểu biết pháp luật của mình, về ý thức thượng tôn pháp luật của mình. Nếu thấy thiếu hiểu biết hoặc vi phạm pháp luật thì cũng tự mình ngẫm nghĩ mà bổ khuyết, sửa đổi. Khi đó, toàn xã hội mới tốt hơn, ổn định hơn, phát triển hơn; việc thực thi pháp luật sẽ đỡ tốn kém hơn. Và đặc biệt, với việc Ngày Pháp luật được ghi trong Luật, được tổ chức định kỳ hàng năm, chúng ta đã và đang tiếp tục gửi đi thông điệp đến toàn thế giới về quyết tâm của nước ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói thêm về ý nghĩa của Ngày Pháp luật.
Là người có công lớn trong việc luật hóa quy định về Ngày Pháp luật, ông Hà Hùng Cường cho biết, ông có rất nhiều kỷ niệm với ngày này. Tuy nhiên, đáng nhớ nhất là Lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam diễn ra vào tối 9/11/2013 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, đúng vào thời điểm QH chuẩn bị thông qua Hiến pháp (sửa đổi) 2013. “Đầy đủ lãnh đạo Đảng, QH, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các đoàn đại biểu QH, và lãnh đạo Hà Nội cùng nhiều địa phương gần Thủ đô đã tham dự. Nhiều đại sứ quán nước ngoài, đối tác nước ngoài, luật sư nước ngoài cũng đã tham dự. Thật hoành tráng! Thật ý nghĩa! Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu súc tích nêu bật ý nghĩa quan trọng của Ngày Pháp luật, giá trị trường tồn của Hiến pháp năm 1946 và chỉ đạo việc tổ chức hàng năm Ngày Pháp luật trong cả nước”, ông hồi tưởng.
Theo ông Cường, qua 8 năm, cứ đến ngày 9/11, các ngành, các địa phương, cả nước tổ chức Ngày Pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, ngày càng hiệu quả, ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 năm 2020 vừa qua và có thể cả trong năm 2021. “Thiết nghĩ, Ngày Pháp luật đã và sẽ phát huy hiệu quả trong thực tế đời sống của đất nước, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng với quyết tâm xây dựng, ban hành Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, ông Cường tin tưởng.
Nghề Pháp luật, nghiệp Tư pháp lựa chọn
Sự nghiệp của nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường gần như gắn bó hoàn toàn với lĩnh vực pháp luật, tư pháp. Ngẫm lại quá trình làm việc của mình, ông cho rằng “đúng là cơ duyên”, nói cách khác là Nghề pháp luật, nghiệp Tư pháp đã chọn ông. Nói là nghề chọn, bởi khi được cử đi học ở Liên Xô, phải đến hết năm học dự bị, hè năm 1971, ông mới được biết sẽ được học luật. “Ngay lúc đó, tôi đã thích ngay ngành này vì nghĩ rằng đất nước sau chiến tranh chắc chắn sẽ cần đến pháp luật”, ông kể. Còn nói nghiệp chọn là vì vào năm 1976, sau khi tốt nghiệp về nước, ông được phân công về Khoa Luật, Đại học tổng hợp Hà Nội trực thuộc Bộ Đại học. Ba năm sau, Trường Đại học Pháp lý Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập Khoa Luật Đại học Tổng hợp Hà Nội với Trường Cao đẳng Pháp lý Việt Nam, trực thuộc Ủy ban Pháp chế của Chính phủ, sau này là Bộ Tư pháp. “Tất cả đều do tổ chức phân công, điều chuyển, tôi không được chọn mà Nghề và Nghiệp đã chọn tôi”, ông nói.
Hiện nay, ông Hà Hùng Cường đang giữ vai trò Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam. Lý giải về động lực tiếp tục cống hiến cho xã hội sau khi đã về nghỉ hưu theo chế độ, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, ông đến với Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam cũng là cái duyên. “Khi cầm quyết định nghỉ hưu trong tay, tôi đã nghĩ sẽ không tham gia công việc mang tính cơ quan, tổ chức nữa. Tuy nhiên, khi ông nghỉ được gần 3 năm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã điện thoại, rồi cử người gặp ông để giới thiệu về Quỹ, đề nghị ông “giúp” quay lại làm việc cho Quỹ. “Thế rồi, tháng 10/2019, Đại hội IV của Quỹ đã bầu tôi làm Chủ tịch, thay nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Lại một lần nữa công việc tìm đến tôi”, ông Cường cho hay. Theo Điều lệ, tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam rất cao quý. Quỹ hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì sự phát triển công bằng, bền vững của đất nước. “Có lẽ chính vì thế mà tôi đã nhận lời tham gia lại “chính trường””, ông bộc bạch.
Theo ông Hà Hùng Cường, Đại hội XIII của Đảng đã tổng kết 35 năm Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 của Đảng. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục. Bên cạnh đó, trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, nỗ lực đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu đến năm 2045 đưa đất nước trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. “Cơ đồ, vận mệnh của đất nước và khát vọng lớn lao của Đảng thôi thúc tôi tiếp tục cống hiến, để cùng với Hội đồng Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quỹ mà con người lịch sử là bà Nguyễn Thị Bình đã tin tưởng giao phó”, ông Cường nói thêm.
Kỳ vọng vào kỷ nguyên Pháp quyền của đất nước
Theo lẽ thông thường, cán bộ khi nghỉ hưu là đã bàn giao trách nhiệm cho người kế nhiệm. Tuy nhiên, là một người đã có tới hơn bốn mươi năm gắn bó với nghiệp Tư pháp, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường vẫn luôn dõi theo những từng bước phát triển của đất nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp luật, tư pháp. Theo ông, trong sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, qua đó cũng là tiếp tục tạo dựng môi trường ổn định, hòa bình cho phát triển bền vững của đất nước, trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm. “Tôi rất mừng Đại hội XIII đã giao và Ban chấp hành Trung ương khóa này đang chuẩn bị để sẽ xem xét, thông qua Chiến lược về vấn đề hệ trọng này của đất nước đến năm 2030, định hướng đến 2045. Cá nhân tôi rất kỳ vọng vào Chiến lược này, không những sẽ kế thừa, phát huy các giá trị của Nghị quyết 48 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị mà còn phát triển chúng ở tầm cao mới, tạo hành lang chính trị cho tương lai của đất nước sớm đạt được mục tiêu lớn “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hoặc như Bác Hồ đã từng nói: “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì””, ông tâm sự.
Vị nguyên Bộ trưởng nhấn mạnh, hai cụm từ “dân chủ, công bằng, văn minh” và “hạnh phúc, tự do”, thể hiện khát vọng ngàn năm của dân tộc, vẫn tiếp tục đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng Chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. “Làm sao để Nhân dân được thực sự làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân, Nhân dân? Làm sao để Nhân dân giám sát được đầy đủ việc thực hiện quyền lực nhà nước và tự quyền lực nhà nước kiểm soát được quyền lực nhà nước? Làm sao để Hiến pháp, pháp luật thực sự được thượng tôn, mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật? Mong rằng, tới đây, chúng ta sẽ nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém, khuyết điểm của việc thực hiện Nghị quyết 48 và Nghị quyết 49 thời gian qua, vượt qua chính mình, thực sự đổi mới mạnh mẽ tư duy để ban hành được một chiến lược tốt, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên Pháp quyền, Thượng tôn Hiến pháp, pháp luật”, ông nói.