Niên vụ cam 2021 – 2022, trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích 8.159,3 ha; diện tích cho thu hoạch là 7.760,3 ha; sản lượng cho thu hoạch ước đạt 77.810 tấn. Theo cơ quan chuyên môn dự báo, trung tuần tháng 9 đến tháng 11 tới, khoảng 5 - 7 ha cam CS1, CT36 chín sớm sẽ cho thu hoạch với sản lượng trên 30 tấn. Từ tháng 11 năm nay đến tháng 1 năm sau là thời điểm thu hoạch cam Vàng với sản lượng gần 20,8 nghìn tấn.
Đối với cam Sành dự kiến đạt sản lượng hơn 58,5 nghìn tấn, thời gian thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 12 năm nay đến trung tuần tháng 3 năm sau. Sau Tết Nguyên đán đến đầu tháng 5 năm sau, cam V2 cho thu hoạch khoảng 800 tấn. Hiện nay, các sở, ngành đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất có thể tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), các sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ.
Lãnh đạo Sở Công thương phát biểu tại cuộc họp |
Để đưa Cam Hà Giang lên sàn TMĐT, Sở Công thương đề nghị Sở NN&PTNT chủ động kiểm soát chất lượng cam tại các vùng trồng cam; lấy tên lên sàn TMĐT là cam Vàng Hà Giang; kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản và thống nhất về giá thành, cách đóng gói bao bì sản phẩm... Đặt mục tiêu đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn TMĐT giúp bà con nông dân bán hàng theo xu hướng quốc tế, đồng thời tiêu thụ tối thiểu 15% sản lượng cam của tỉnh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ trái cam trên sàn TMĐT, tỉnh Hà Giang cũng đang thực hiện hỗ trợ người dân tạo ra kênh tiêu thụ nông sản an toàn, hiệu quả, bền vững trong mùa dịch, đồng thời mở rộng tiếp cận với người tiêu dùng trên cả nước.
Trong đó, tỉnh Hà Giang đã hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người dân đưa nông sản lên các sàn TMĐT như: Sàn Postmart.vn thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Sàn Voso.vn của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel; Sàn Sendo.vn được bảo trợ bởi tập đoàn FPT.