Hà Nội: 38 cán bộ bị phơi nhiễm với HIV

(PLO) - Chiều qua (27/11), Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban báo chí thông tin về kết quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác phòng chống AIDS và các tệ nạn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.
Hình minh họa

Thông tin tại Hội nghị, bà Lã Thị Lan – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội – cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2018 có 38 cán bộ bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, trong đó có 13 người là cán bộ y tế, 17 người là công an, 5 hộ lý và 3 người khác. 100% cán bộ bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV.

Tính đến ngày 30/10/2018, số trường hợp lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn TP hiện đang còn sống là 20.666; bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS là 6.011, trong đó 10 tháng đầu năm đã phát hiện được thêm 910 trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện, tăng 23,47% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện nay, 100% quận, huyện của TP Hà Nội đều có người nhiễm HIV; 577/584 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV (chiếm 94,9%).

Các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở các quận nội thành; với 10 quận, huyện cao nhất chiếm 62,02% tổng số trường hợp nhiễm HIV. Theo lý giải của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, sự gia tăng mạnh mẽ này có thể do trong những năm gần đây có nhiều chương trình, dự án hướng tới nhóm đối tượng này và đặt nhóm đối tượng này là mục tiêu hoạt động chủ yếu.

Thông tin về tình hình công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018, ông Phùng Quang Thức – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH TP Hà Nội – cho biết, theo thống kê của các cơ quan chức năng, tại TP có 5.792 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Qua nắm bắt địa bàn, số điểm có biểu hiện mại dâm trên địa bàn công cộng hiện có 5 điểm; số điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện còn 10 điểm, tụ điểm.

Theo ông Phùng Quang Thức, trong công tác cai nghiện ma túy, một số quy định trong các Nghị định 111 và 221 của Chính phủ còn chưa rõ ràng dẫn đến khó áp dụng khi triển khai như chưa có căn cứ pháp lý để ngành y tế giữ người nghi nghiện từ 24 đến 72 giờ để theo dõi, chẩn đoán và xác định tình trạng nghiện ma túy; tình trạng người sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp ngày một gia tăng, khiến việc chữa trị và quản lý đối tượng này gặp nhiều khó khăn; chưa có chế tài xử lý việc một số người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn khỏi địa phương… 

Đọc thêm