Hà Nội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời đại số hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tình trạng người tiêu bị xâm phạm quyền lợi vẫn diễn ra khá phổ biến đặc biệt trong thời đại số hóa hiện nay, một phần do nhiều người vẫn chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình.
TP. Hà Nội nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho người dân trong việc tự bảo vệ mình khi mua sắm sản phẩm
TP. Hà Nội nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho người dân trong việc tự bảo vệ mình khi mua sắm sản phẩm

Quyền được khiếu nại là 1 trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng, nhưng thực tế, ít người dân sử dụng đến quyền hạn này. Theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng có quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ nhưng rất nhiều người, khi gặp các tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đều “nhắm mắt bỏ qua” chứ không sử dụng quyền của mình một cách chính đáng. Điều này cho thấy, cách thức tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn hạn chế.

Theo Sở Công thương Hà Nội, mỗi năm thành phố dành khoảng 2 tỷ đồng cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mặc dù nhận thức của người tiêu dùng và nhận thức của doanh nghiệp đã cải thiện rõ rệt, hằng năm các vụ việc khiếu nại tiêu dùng đã giảm bớt, tuy nhiên các vụ việc trên ứng dụng điện tử vẫn xuất hiện.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm trực tuyến

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm trực tuyến

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào tháng 10/2022 được đánh giá là phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là tiến trình chuyển đổi số.

Với nội dung “Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số”, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số được quy định tại Điều 38, 39, 40.

Cụ thể, dự thảo quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng phải cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng những thông tin: Tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại liên hệ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc của đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam (nếu có).

Ngoài ra, phải cung cấp thông tin giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; chi phí giao hàng (nếu có); phương thức thanh toán, phương thức giao hàng, cung cấp dịch vụ; điều kiện và phương thức đổi, trả hàng; thời gian có hiệu lực của đề nghị giao dịch; quy trình xử lý việc trả lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết; quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại của người tiêu dùng...

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh giao dịch từ xa phải thông tin cụ thể về các khoản phí, chi phí thuế giá trị gia tăng, cách thức tính phí, chi phí có thể phát sinh cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong những giao dịch trên không gian mạng cũng được quy định cụ thể trong dự thảo luật.

Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian tới TP.Hà Nội tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho người dân trong việc tự bảo vệ mình khi mua sắm sản phẩm, hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia khiếu nại, tố cáo các nhà sản xuất, đơn vị vi phạm trên các kênh tiếp nhận thông tin, website, đường dây nóng, hộp thư điện tử hoặc liên hệ trực tiếp tại các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan...

Đặc biệt, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố cũng cần thực hiện từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại. Kiểm duyệt thông tin quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội vì quảng cáo đó có thể là quảng cáo cho hàng giả, hàng nhái; chủ động hỗ trợ cho các đơn vị trong việc bán hàng, giải quyết tranh chấp với khách hàng nhằm giảm bớt thời gian, kinh phí cho các bên.

Đối với thực hiện các quy định pháp luật, TP.Hà Nội cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng TP.Hà Nội cần tiếp tục tập trung triển khai các chỉ đạo của Bộ và thành phố trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tích cực phối hợp, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc cảnh báo những hành vi vi phạm liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng như: quảng cáo không trung thực, hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Với những giải pháp đồng bộ, TP. Hà Nội tin tưởng sẽ tạo lập được môi trường mua bán hàng hóa trực tuyến mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng./.

Đọc thêm