Hà Nội: Cần cơ chế đủ mạnh để thực hiện chỉnh trang, tái thiết đô thị

(PLVN) - Chiều 20/7, Bộ Tư pháp đã làm việc với Bộ Xây dựng về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tham dự có Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban soạn thảo; đại diện một số Bộ, ngành cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết: Dự thảo Luật hiện tại gồm 06 chương, 59 điều: tăng 02 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành; trong đó kế thừa nguyên vẹn 04 Điều của Luật Thủ đô năm 2012 (Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 6), 23 điều còn lại kế thừa một phần và có sửa đổi, bổ sung.

Các điều khoản của dự thảo Luật được xây dựng để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

09 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được quy phạm hóa tại các Chương II, III, IV và V của dự thảo Luật.

Trong đó, liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng chủ yếu được quy định tại Chương III (Xây dựng và phát triển Thủ đô), cụ thể tại các Điều: 20, 21, 22, 23, 31, 32, 33; ngoài ra tại Điều 40 và Điều 46 đều có những quy định liên quan.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật báo cáo một số nội dung tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật báo cáo một số nội dung tại buổi làm việc.

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm tại cuộc họp là biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch (Điều 21 dự thảo Luật). Để chỉnh trang, tái thiết đô thị dự thảo Luật quy định: “Khi lập quy hoạch chi tiết để mở rộng trục đường giao thông theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô phải xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, tái định cư tại chỗ, nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh theo các quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch”, quy định này mở rộng hơn so với Luật Thủ đô 2012 (khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông mới trên địa bàn Thủ đô).

Vấn đề này trong quá trình soạn thảo nhiều ý kiến nhất trí cho rằng cần cho Hà Nội một cơ chế đủ mạnh thì mới có thể thực hiện việc chỉnh trang, tái thiết đô thị, xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo; gia tăng được giá trị địa tô để từ đó đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, vì vậy, quy định như dự thảo là phù hợp thì cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc tính khả thi; khi thực hiện việc “mở rộng” các tuyến đường mà thu hồi đất vùng phụ cận dễ gặp phải phản ứng của người dân; chi phí bồi thường rất lớn; rồi cần phải điều chỉnh cả quy hoạch. Cùng với đó, cần định lượng rõ thuật ngữ “vùng phụ cận” để tránh tác động nhiều đến người dân lúc tiến hành mở đường.

Về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị (Điều 22), dự thảo Luật quy định giao HĐND quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác không gian ngầm, khoảng không công trình ngầm trên địa bàn Thủ đô; việc quản lý, xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm tại các đô thị, khu nội đô lịch sử phải bảo đảm bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan sạch đẹp, khang trang.

Việc quản lý xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm là vấn đề lớn nhưng các VBQPPL (Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị) đều chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết hiện chỉ có Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị có các quy định tương đối đầy đủ về vấn đề này. Do vậy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đánh giá kỹ lưỡng quy trình, thủ tục, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng và khai thác không gian ngầm, quy định rõ nguyên tắc giao HĐND.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp cận nhiều vấn đề hơn Luật hiện hành.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp cận nhiều vấn đề hơn Luật hiện hành.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tiếp cận nhiều vấn đề hơn Luật hiện hành. Theo ông Văn, cần đánh giá kỹ các tồn tại, các vấn đề mà Luật cũ chưa làm được từ đó có cơ sở để quy định các nội dung mới, trong đó có vấn đề về thu hồi đất khi mở rộng đường. Các quy định của dự thảo luật cần rõ về nội hàm và nguyên tắc để dễ thực hiện.

Đối với việc quản lý xây dựng và khai thác khoảng không, không gian ngầm, theo ông Văn, nếu chỉ giao cho HĐND như dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện. Theo đó, cần đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định số 39 để tổng hợp vướng mắc, từ đó cơ sở để xây dựng quy định phù hợp, khả thi. Liên quan tới phát triển đô thị, ông Văn cho rằng Hà Nội cần tập trung 2 vấn đề là quy hoạch, cải tạo, tái thiết đô thị cũ và phát triển đô thị mới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng mong Lãnh đạo Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện dự luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng mong Lãnh đạo Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện dự luật.

Thay mặt Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và mong Lãnh đạo Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp Bộ Tư pháp để chỉnh lý, hoàn thiện dự luật.

Đọc thêm