Hà Nội cần 'đặc sản' lưu niệm để hút du khách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội nổi tiếng với hơn 1.000 làng nghề thủ công truyền thống nhưng tại các điểm đến của Thủ đô lại thiếu những sản phẩm lưu niệm “đặc sản”. Đây là trăn trở chung của những người yêu văn hóa truyền thống và những người làm du lịch.
Hà Nội cần có “đặc sản” lưu niệm để hút du khách. (Nguồn: Internet)
Hà Nội cần có “đặc sản” lưu niệm để hút du khách. (Nguồn: Internet)

“Đỏ mắt” tìm quà lưu niệm biểu trưng của Thủ đô

Nếu như các điểm đến nổi tiếng thế giới đều có những “đặc sản” lưu niệm riêng thì Hà Nội - một trong những điểm đến hấp dẫn của thế giới - lại gần như chưa có sản phẩm nào mang tính biểu trưng. Du khách trong nước và quốc tế khi tới thăm Thủ đô rất khó lòng chọn được một sản phẩm lưu niệm “không lẫn vào đâu được” của nơi này.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là rất cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương và cả quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm quà tặng, lưu niệm Hà Nội vẫn còn tình trạng trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về vùng đất, con người. Một số sản phẩm chưa bảo đảm sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ để du khách, nhất là du khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển, bảo quản lâu dài.

Một bức tranh thêu của Lào có thể lưu giữ được 10 năm mà màu sắc và chất liệu vẫn rất đẹp, những con búp bê gỗ Matryoska của Nga nổi tiếng khắp thế giới có thể lưu giữ qua vài thập kỷ… Trong khi đó, những đồ mây tre đan, mặt nạ giấy bồi của Việt Nam dễ bị mốc hoặc hư hỏng… Đồ gốm sứ lại dễ vỡ và cồng kềnh, khó vận chuyển. Nhiều khách du lịch thích ngắm nhưng ngại ngần mua về làm quà vì bất tiện.

Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Hiệp hội Du lịch Hà Nội chia sẻ với truyền thông, mặc dù cả nước có đến 1.300 làng nghề truyền thống nhưng thị trường quà lưu niệm hiện nay đang bị các sản phẩm nước bạn lấn át. Ví như, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), nhiều gia đình có truyền thống làm dệt lụa cũng phải bỏ nghề vì không thể cạnh tranh với hàng nước láng giềng bày bán tại khu vực phố cổ.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phân tích, nguyên nhân khiến sản phẩm quà lưu niệm của các làng nghề chưa được nhiều du khách biết tới là do chưa chú trọng sản xuất sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; chưa coi trọng sở hữu trí tuệ, không giữ được bản quyền dẫn đến tình trạng nhiều mẫu sản phẩm quà tặng bị nhái mẫu mã. Bên cạnh đó, sự liên kết với các nhà sáng tạo mẫu thiết kế chưa được chú trọng bởi thực tế để làm ra sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm, nhà sản xuất phải hiểu về nhu cầu thị trường, từ đó sản xuất ra sản phẩm phù hợp. “Đơn cử như thị trường khách Nhật thích dùng hàng bằng giấy nhiều hơn các nguyên liệu khác”, ông Vũ Thế Bình nêu ví dụ.

Có một món quà lưu niệm mang tính chất biểu trưng của Thủ đô là điều mong mỏi của giới lữ hành từ rất lâu. Bởi nó không chỉ mang tới lợi nhuận về kinh tế mà còn mang tới “lợi nhuận” quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Hiện nay, vì sản phẩm lưu niệm không mấy hút du khách nên du khách ít chi tiêu về khoản này. Trên thực tế, số tiền khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam vẫn còn quá thấp, trung bình 132,6 USD/ngày, trong khi ở các nước khác con số này là khoảng 1.500 USD/ngày, gấp hơn 10 lần.

Chưa kể mỗi năm có khoảng 3 - 4 triệu lượt khách quốc tế đến Hà Nội. Nếu Hà Nội cũng có một món đồ lưu niệm thật độc đáo để hầu như vị khách nào đến Hà Nội cũng muốn mua và trưng bày ở nhà thì hiệu quả quảng bá sẽ rất lớn. Chỉ cần mỗi vị khách quảng bá cho một người, mỗi năm Hà Nội có thể đón thêm lượng khách đáng kể.

Cần “điểm chạm” giữa truyền thống và hiện đại

Là người say mê văn hóa truyền thống, với hành trình hơn 20 năm tìm kiếm chất liệu cho những thiết kế ứng dụng thuộc lĩnh vực quà tặng và vật phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc Việt, chị Hoàng Mỹ Liên, Công ty Moon n Sun, Hà Nội chia sẻ: “Suốt 2 thập kỷ qua, chúng tôi đã kết hợp cùng các họa sỹ, nghệ sỹ, những nhà sáng tạo trong lĩnh vực văn hoá, phối hợp cùng các làng nghề, nghệ nhân… lựa chọn “nguyên liệu văn hóa” phù hợp. Nền tảng văn hóa, nghệ thuật ấy chính là chất liệu quý giá cho các thiết kế sản phẩm ứng dụng nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt, đồng thời lan tỏa văn hóa một cách mới mẻ và cuốn hút”.

Đội ngũ sáng tạo nghệ thuật vừa ra mắt bộ sản phẩm lưu niệm kết hợp với ẩm thực mang tên “Ánh trăng”. “Ánh trăng” là một họa phẩm “Bóng trăng thu” của họa sỹ Hoàng Hữu Vân được thể hiện trên chất liệu sơn ta truyền thống. Tác phẩm gợi về một đêm trăng rằm tháng 8 với hình ảnh bé gái đang ngước đôi mắt trong veo nhìn lên bầu trời, với những hình ảnh quen thuộc đưa người xem trở lại không khí và hương vị Tết Trung thu trong ký ức của nhiều người Việt. Nghệ thuật hội họa trên sản phẩm được tôn vinh bởi kỹ thuật sơn mài từ làng nghề Hạ Thái (Hà Nội).

Cũng như chị Hoàng Mỹ Liên, những người yêu văn hóa, sáng tạo Việt mong muốn tiếp tục hành trình chạm tới ước mơ lan tỏa nhiều câu chuyện về văn hóa, tinh hoa Việt. Mỗi sản phẩm lưu niệm thường biểu đạt phong cách sinh hoạt, con người, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, quan niệm về tự nhiên, biểu tượng vùng miền, tín ngưỡng tâm linh… Thông qua đó, du khách phần nào thấy được hình ảnh con người, mảnh đất và bản sắc văn hóa mà họ được trải nghiệm, lưu giữ kỷ niệm.

Tuy nhiên, việc tìm ra sản phẩm lưu niệm du lịch mang hồn mảnh đất ngàn năm không thể là việc riêng của những người yêu văn hóa truyền thống hay những nhà sáng tạo, ngành Du lịch mà là trách nhiệm của rất nhiều ban, ngành liên quan và sự chung tay của cả cộng đồng.

Đọc thêm