Hà Nội có 12 ca tử vong vì sốt xuất huyết, đỉnh dịch có thể vào trung tuần tháng 11

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội, các TTYT quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết kịp thời. Đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa: Ngọc Nga
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa: Ngọc Nga

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội), tính đến ngày 23/10/2022, toàn thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc, 12 ca tử vong, số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc, 0 ca tử vong).

Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 – 2021. Đến nay toàn thành phố ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết: “Các TTYT quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo, tư vấn điều trị cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết kịp thời. Đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể rơi vào trung tuần tháng 11”.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng, đỉnh điểm có thể là tháng 11-12.

Trung bình một ngày có 10 - 20 bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng..., nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Ngoài ra nhiều bệnh nhân có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, người già hoặc cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết.

Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. "Chúng tôi đã có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu", PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.

Chuyên gia đồng thời lưu ý: “Người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1 để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện”.

Hiện nay một số bệnh dịch khác vẫn còn (COVID-19, cúm, thủy đậu,...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.

Đọc thêm