Hà Nội: Cơn sốt check-in cây gạo Bờ Hồ đẹp đến ngỡ ngàng

0:00 / 0:00
0:00
Một gốc gạo cổ thụ xù xì, những cành hoa đỏ bung nở rực rỡ buông rủ xuống mặt hồ thấp thoáng bóng Tháp Rùa trong khói sương mờ ảo là cảnh đẹp đến mê hồn bên bờ Hồ Hoàn Kiếm mùa hoa gạo năm nay.

Bao giờ đom đóm bay ra

Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng…

Đến giờ, tôi vẫn thuộc nằm lòng những câu ca dao, tục ngữ kiểu như thế. Nhưng chả cần đến các câu tục ngữ thì tôi cũng nhớ như in các mùa gieo trồng của nhà nông trong năm, tháng nào trồng khoai, tháng nào trồng lạc, tháng nào gieo đỗ, rồi xu hào, dưa cải, rồi vụ mùa, vụ chiêm… Nhưng câu tục ngữ trên thì cái lũ trẻ con chúng tôi hồi ấy đứa nào chẳng nhớ, vì tuổi thơ nông thôn ngày trước đứa trẻ nào chẳng từng ngửa mặt lên vòm hoa gạo đỏ chờ đến mỏi cổ để đón bông hoa rụng xuống.

Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo…

Bông hoa gạo trong bài thơ và ca từ của nữ thi sĩ họ Đoàn nghe buồn xót xa. Nhưng cái thời trẻ con của chúng tôi chưa có bài hát “Chị tôi”, nên cái bông hoa gạo chỉ có màu đỏ chói, khi rời cành còn xoay tít như chiếc dù, như chiếc chong chóng vẫy gọi cả lũ chúng tôi chạy ùa đến tranh nhau bông hoa với niềm vui cũng rất trẻ con.

Rồi đứa nào chẳng từng những đêm hè chạy men theo bờ ao hát gọi đom đóm:

Đom đóm có chùm có chọe

Có mẹ mày đâu

Có thầy mày đó

Mở cửa tao vào

Cất vó tao ra…

Rồi bắt được con đom đóm nào lại ngắt chiếc lá khoai nước túm lấy, con đom đóm bên trong lập lòe ánh sáng xanh biếc như ngôi sao lấp lánh trong câu chuyện cổ tích…

Bây giờ đom đóm không còn, ngay cả đến về quê cũng chả tìm thấy đom đóm nữa; nhưng hoa gạo thì vẫn đó, thậm chí còn được trồng nhiều hơn trước. Nhiều miền quê đã trở nên nổi danh với những cây gạo cổ thụ như cây gạo gù ở thôn Phúc Thịnh, xã Thái Thịnh (huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình), cây gạo cạnh miếu Bà Cô ở thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn, (huyện Yên Dũng, Bắc Giang), hay hàng gạo ở thôn Đoan Nữ, xã Mỹ An (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và mới nổi vài năm gần đây là hàng gạo ở thôn Đoài, xã Tiên Nội (huyện Duy Tiên, Hà Nam)…

Gạo được trồng khá nhiều trên đất Thường Tín, Hà Nội.

Ba năm nay, hai hàng gạo ở xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên, Hà Nam thu hút rất đông người đến chụp ảnh.

Nhưng chẳng cần đi đâu xa, ngay trong nội thành Hà Nội cũng có những cây gạo nổi tiếng như ở Bảo tàng Lịch sử ở số 1 phố Tràng Tiền và đặc biệt là cây gạo cổ ngay tại Bờ Hồ. Cây gạo trong Bảo tàng Lịch sử cũng là cây cổ thụ, hoa rất đẹp nhưng cây cao, khuôn viên lại chật hẹp, công trình kiến trúc che lấp nên rất khó chụp ảnh check-in. Ngược lại, cây gạo ở Bờ Hồ cũng rất to, dáng cổ thụ nhưng lại ở ngay cạnh mép hồ, phía trong là đường Đinh Tiên Hoàng rộng rãi, phía ngoài nhìn thẳng ra Tháp Rùa nên trở thành địa điểm check-in tuyệt vời rất… Hà Nội.

Ngày thường, chỉ riêng cái gốc gạo cổ xù xì thân mấu với những u cục nổi vồng lên đã đủ thu hút chị em với tà áo dài thướt tha đến tạo dáng. Đến mùa hoa nở, gốc hoa đỏ rực những bông gạo rụng xuống lại càng thu hút người người đến check-in. Những năm trước, cây gạo này chỉ sai hoa trên ngọn và tán lưng chừng cây nên ít người phát hiện ra và cũng rất khó để check-in. Hoặc có năm cành rủ thấp ra hoa nhưng lại cũng rất nhiều lá nên che lấp mất. Riêng năm nay, những cành gạo phía hồ vươn dài ra, rủ thấp la đà, đã thế lại rất sai hoa và hầu như không còn chiếc lá nào đã tạo nên phong cảnh hữu tình thẫm đẫm hồn cốt một Hà Nội nghìn năm văn hiến nên lúc nào cũng đông nghịt người…

Cây gạo Bờ Hồ năm nay chụp góc nào cũng đẹp, chụp về phía phố Hàng Khay hay chụp xuôi nắng về phía cầu Thê Húc, ngay cả đứng từ phía phố Lê Thái Tổ chụp lấy Tháp Rùa và đặt cây gạo đỏ rực hoa làm hậu cảnh cũng có vẻ đẹp rất riêng. Nhưng đẹp nhất vẫn là đứng từ phía phố Đinh Tiên Hoàng chụp hất ra, vừa có không gian thoáng đãng, vừa lấy được cành hoa buông rủ và quan trọng là lấy trọn vẹn được Tháp Rùa. Hồ Gươm muốn chụp gì thì chụp, nếu không có Tháp Rùa vẫn không ra Hồ Gươm.

Góc chụp từ đường Đinh Tiên Hoàng nhìn ra Tháp Rùa

Góc chụp nhìn về phía phố Hàng Khay

Góc chụp từ phía phố Lê Thái Tổ có bóng cây gạo ở hậu cảnh

Góc chụp về phía cầu Thê Húc

Ngày thường đã không lúc nào ngớt người, ngày nghỉ cuối tuần thứ bẩy, chủ nhật lại càng đông hơn, nhất là khi Hà Nội trở lại bình thường hóa và khôi phục lại phố đi bộ Hồ Gươm. Đầu tiên phải kể đến các tay máy khắp trong Nam ngoài Bắc, có người ngày nào cũng đến, có người rình rập cả buổi để chờ đến hoàng hôn bắt được khoảnh khắc vàng.

Gốc gạo Bờ Hồ năm nay thu hút rất đông các tay máy khắp trong Nam ngoài Bắc.

Nhưng đông nhất vẫn là các chị, các cô với đủ sắc màu và cũng không kể gì tuổi tác. Một tà áo dài trắng thướt tha nhẹ vờn gió xuân trong ánh nắng chiều dìu dịu phảng phất khói sương trên mặt hồ mờ ảo… Một bóng Tháp Rùa rêu phong trầm mặc soi bóng nước Hồ Gươm… Và cành hoa gạo đỏ chói buông dài như nhẹ nương theo gió rủ xuống mặt hồ… Tất cả hòa quyện vào nhau thành bức tranh thấm đẫm một hồn cốt Thăng Long – Hà Nội quả thực không bút nào tả nổi, mà chỉ có đắm mình trong khung cảnh ấy mới cảm nhận được hết hơi thở và khí thiêng nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm…”...

Đọc thêm