Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, may mặc, điện máy… trong dịp Tết sẽ tăng khá mạnh. Trong đó, dự kiến gạo sẽ tăng từ 82.600 tấn lên 88.000 tấn. Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng từ 12.800 tấn lên 15.300 tấn; thịt bò từ 4.000 tấn/tháng lên 4.600 tấn trong tháng Tết; thịt gà từ 5.100 tấn lên 6.400 tấn; thủy, hải sản từ 5.000 tấn lên 5.500 tấn; rau, củ từ 83.300 tấn…
Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa cho các tháng trong năm; riêng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán tăng từ 10 - 15% so với các tháng trong năm. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ năm 2016).
Một “điểm cộng” của thị trường năm nay là hàng hóa cơ bản được niêm yết và bán theo giá công khai, minh bạch. Các DN sản xuất hàng trong nước đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt, Tết năm nay Hà Nội đã bỏ chế độ “bao cấp” về dự trữ hàng hóa bình ổn giá với lãi suất ưu đãi một số DN 0%.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, lượng hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua hơn 8000 chợ, hơn 700 siêu thị và khoảng hơn 100 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, bán hàng lưu động trên khắp cả nước và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt. Một số địa phương còn hỗ trợ kinh phí vận chuyển để đưa hàng Tết, hàng Việt ra các huyện đảo, miền núi, vùng nông thôn... Dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng trên 680 tỷ đồng.
Bên cạnh việc bình ổn và kiểm soát giá cả hàng hóa, việc bảo đảm nguồn cung cũng như chất lượng sản phẩm, công tác kiểm soát giá cả trong dịp Tết năm nay được chú trọng hơn. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Mặt khác, nhằm giảm áp lực cho thị trường những ngày cận Tết, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với những mặt hàng có nhu cầu cao, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương và DN tăng thời gian phục vụ Tết tại các điểm bán hàng bình ổn theo hướng nghỉ Tết muộn, nhiều siêu thị đã cam kết sẽ phục vụ đến tối 30 Tết và mở cửa sớm vào mùng 2 Tết nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết.