Năm 2022, Hà Nội có mức tiêu thụ năng lượng đứng đầu toàn quốc. Đây là kết quả khá bất ngờ vì trước đó, Hà Nội thường đứng sau TP Hồ Chí Minh. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng khẳng định: "Đây là một thách thức mà chúng tôi phải đối mặt".
Ngoài ra, ở Hà Nội và miền Bắc nói chung, biểu đồ phụ tải phức tạp hơn rất nhiều so với từ miền Nam Trung Bộ trở vào. Do đó, vấn đề cân đối nguồn điện, vấn đề sử dụng năng lượng và sử dụng điện phức tạp nên ngay từ lúc đầu Hà Nội đã đặt ra bài toán phải đầu tư phát triển nguồn điện để đảm bảo cấp điện cho phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và cho người dân.
Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao vấn đề tuyên truyền, vận động trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Trong năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,7 - 2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên địa bàn thành phố; 65% doanh nghiệp phụ tải trọng điểm có cam kết sử dụng tiết giảm theo biểu đồ mà ngành điện đã xây dựng lên để đạt được mong muốn của thành phố.
Với số lượng các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp còn lại, Hà Nội sẽ có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng, trực tiếp để vận động thay đổi dần, chuyển đổi dần các công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các công nghệ mới đem lại sản phẩm tốt hơn và dùng năng lượng ít hơn trong tất cả các ngành liên quan đến công nghiệp.
Theo ông Thắng, tính đến nay, trong 193 doanh nghiệp trọng điểm mà Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, cơ bản các doanh nghiệp đã biết xây dựng kế hoạch, đã có cán bộ quản lý năng lượng.
Ông Thắng cũng cho biết, trong năm 2023, Hà Nội xây dựng chỉ tiêu phải hoàn thành 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh. "Năm 2022 chúng tôi có số lượng ít hơn, trên 30 đơn vị, năm nay chúng tôi đặt mục tiêu trên 55 cơ sở. Do đó, thành phố phải đặt ra mục tiêu và xây dựng quy định, tiêu chí để lựa chọn được các đơn vị này trong số những tòa nhà công nghiệp, văn phòng tại Hà Nội. Điển hình như văn phòng của EVN Hà Nội, năm 2022, tòa nhà này được giải cơ sở sử dụng năng lượng xanh 5 sao.
Ngoài ra, trong năm 2023, Hà Nội cũng dự kiến tổ chức khoảng 1.000 lớp tập huấn đến tận phường và tổ dân phố để có thể trực tiếp đi tuyên truyền, vận động giúp trực tiếp người sử dụng điện, năng lượng hiệu quả và tiết kiệm tại nhà.
Đáng chú ý, ông Thắng đề xuất, mong cơ quan Trung ương, Bộ, ngành giáo dục và Sở Giáo dục các địa phương chung tay đưa vào mô hình tiết kiệm năng lượng vào trong các trường học ngay từ cấp một để tuyên truyền. Điều này sẽ tạo thành ý thức lâu dài trong trong mỗi con người, mỗi người dân trong sử dụng năng lượng và sử dụng điện.