Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi Phòng công chứng đủ điều kiện sang tự chủ

(PLVN) -Đó là một trong những giải pháp, nhiệm vụ được Sở Tư pháp TP.Hà Nội đặt ra để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trong tình hình số lượng tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên trên địa bàn ngày càng nhiều và trải rộng.

TP. Hà Nội hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng với gần 500 công chứng viên hành nghề tại 30 quận, huyện, thị xã đáp ứng nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Trung bình mỗi năm, các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện khoảng 500.000 hợp đồng, giao dịch, thu hơn 200 tỷ đồng. Kết quả đó cho thấy hoạt động công chứng đã đóng góp tích cực, bảo đảm an toàn pháp lý cho tổ chức, cá nhân trong các hợp đồng, giao dịch; phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Từ năm 2011, trên cơ sở đề nghị của Sở Tư pháp, UBND thành phố đã phê duyệt, cấp kinh phí để xây dựng phần mềm quản lý thông tin ngăn chặn và hợp đồng, giao dịch đã công chứng. Đến nay, 100% tổ chức hành nghề công chứng đã tham gia, cập nhật thường xuyên hợp đồng, giao dịch đã ký công chứng. Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật thông tin tham khảo, ngăn chặn giao dịch đối với tài sản phải đăng ký sở hữu, sử dụng theo đúng quy định pháp luật. Có thể coi phần mềm này là một trong những công cụ hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho các bên tham gia giao dịch, hạn chế rủi ro cho công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng trong quá trình hành nghề và thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng cũng như bảo đảm các quyền hợp pháp của chủ sở hữu, sử dụng tài sản là đất, nhà và động sản khác.

 Bên cạnh những thuận lợi, một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện này trên địa bàn đó là số lượng tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên nhiều và trải rộng nhưng đội ngũ làm công tác quản lý mỏng nên gặp nhiều khó khăn; Việc triển khai thực hiện Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, trong đó có Luật Công chứng năm 2014, trong đó vấn đề thành lập mới các tổ chức hành nghề công chứng cũng dẫn đến khó khăn, thách thức trong quản lý nhà nước vì vừa phải đảm bảo đúng tinh thần không còn quy hoạch về công chứng trên các đơn vị hành chính, vừa phải đảm bảo định hướng tổ chức hành nghề công chứng phát triển gắn với dân cư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cá nhân, tổ chức để tránh tình trạng tập trung nhiều tổ chức hành nghề trên một khu vực.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả các quy định của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản về việc thực hiện chính sách tài chính đối với tổ chức hành nghề công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, xa trung tâm. Từ đó bảo đảm Phòng công chứng giữ vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Xây dựng Đề án thí điểm liên thông đối với yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động của các Phòng công chứng đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; duy trì các Phòng công chứng đã tự chủ về tài chính để giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp dịch vụ công chứng; chuyển đổi hoặc giải thể Phòng công chứng hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà Văn phòng công chứng đã đáp ứng được nhu cầu công chứng.

Cùng với đó, Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng trên cơ sở gắn với nhu cầu công chứng, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội theo địa bàn từng quận, huyện nhằm đảm bảo tính khả thi, hoạt động ổn định, bền vững của Văn phòng sau khi được thành lập. 

Đọc thêm